A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý II năm 2022

Sáng ngày 23/6/2022, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý II năm 2022 theo hình thức trực tuyến; Thứ trưởng Phan Tâm chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có các Thứ trưởng, lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; lãnh đạo Sở TT&TT các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện Lãnh đạo cơ quan chuyên trách về CNTT tại các bộ, ngành; Chủ tịch Công đoàn TT&TT Việt Nam, lãnh đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC.

Những hoạt động nổi bật của Bộ TT&TT trong quý II/2022

Trong Quý II/2022, Bộ TT&TT đã tham mưu Chính phủ ban hành 01 Nghị định, đồng thời trực tiếp ban hành 01 Thông tư liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về TT&TT. Cụ thể: Nghị định 25/2022/NĐ-CP ngày 12/4/2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 47/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính; Thông tư số 02/2022/TT-BTTTT ngày 16/5/2022 quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ TT&TT.

20220623-pg1-TT3.jpg

Thứ trưởng Phan Tâm chủ trì Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý II năm 2022 

Ở lĩnh vực Bưu chính, trong Quý II/2022, Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 654/QĐ-TTg ngày 30/5/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Về kết quả triển khai Kế hoạch 1034 hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, tính đến tháng 6/2022, lũy kế số lượng giao dịch trên sàn thương mại điện tử Vỏ sò và Postmart đạt gần 450 nghìn giao dịch; Lũy kế giá trị giao dịch trên sàn thương mại điện tử đạt 61,2 tỷ đồng; Lũy kế số tài khoản được active (đủ điều kiện giao dịch) trên sàn thương mại điện tử đạt 4,1 triệu tài khoản;  Lũy kế số loại sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử đạt 144 nghìn loại sản phẩm.

20220623-pg1-TT2.jpg

Toàn cảnh Hội nghị

Nhiều địa phương như Nam Định, Yên Bái, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị triển khai các nhiệm vụ hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Sự kiện Ngày hội nông sản - OCOP năm 2022 được tổ chức tại một số địa phương như Quảng Ninh, Bắc Kạn… đã góp phần định hướng phát triển thị trường dịch vụ để nông sản, sản phẩm OCOP trở thành sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và khách du lịch. 

Ở lĩnh vực Viễn thông, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Viễn thông; trình Quốc hội về dự án Luật Tần số, dự thảo Luật đã được Quốc hội thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3.

Về việc xử lý SIM rác, SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định, theo kết quả đối soát cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của các doanh nghiệp, kể từ ngày 04/6/2022, tất cả các SIM thuê bao đang hoạt động đã có đầy đủ thông tin theo quy định.

20220623-pg1-hntt1.jpg

Các điểm cầu tại các Sở TT&TT

Liên quan đến xử lý các vùng lõm sóng, tổng số thôn các doanh nghiệp viễn thông đã đăng ký triển khai phủ sóng trước 30/6/2022 là 628 thôn. Tuy vậy, trong quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn do thời tiết mưa nhiều, địa hình thi công hiểm trở, nên một số trạm đang triển khai đã bị chậm tiến độ. Đến 30/6/2022,  các doanh nghiệp sẽ hoàn thành được 40% khối lượng công việc đã đăng ký và dự kiến đến 30/7/2022 sẽ hoàn thành 100% khối lượng công việc đã đăng ký.

Trong lĩnh vực Ứng dụng CNTT, đến ngày 14/6/2022, cả nước có 34/63 tỉnh, thành phố đã thành lập 27.218 Tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 130 nghìn thành  viên. Có 12 tỉnh đã hoàn thành 100% đến cấp xã là: Bắc Giang, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Lai Châu, Hậu Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Yên Bái; Hưng Yên; Hải Phòng.

Về việc ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử 2.0 và Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch/Đề án về chuyển đổi số, đến ngày 21/6/2022, vẫn còn 04 Bộ, ngành, địa phương chưa ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử 2.0; 04 địa phương chưa ban hành Nghị quyết, Chương trình về Chuyển đổi số; 02 Bộ và 3 địa phương chưa ban hành Kế hoạch/Đề án về chuyển đổi số.

Ở lĩnh vực An toàn thông tin mạng, số địa chỉ IP nằm trong mạng botnet là 2.153.158 địa chỉ, giảm 18,7% so với 6 tháng cuối năm 2021, giảm 24,5% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2021. 

Bộ đã hướng dẫn xử lý 6.641 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam (1.696 cuộc Phishing, 859 cuộc Deface, 4.086 cuộc Malware), tăng 127,82% so với 6 tháng đầu năm 2021. Trung bình trong 6 tháng đầu năm là 1.107 cuộc/tháng, tăng 36,5% so với trung bình năm 2021.

Các cuộc tấn công mạng có sự gia tăng trong nửa đầu năm 2022 do tình trạng tấn công lừa đảo dưới hình thức Phishing ngày càng trở nên phổ biến, thường lợi dụng sự quan tâm của toàn xã hội đối với tình hình dịch bệnh COVID-19, các thông tin tiêu cực về chính trị - xã hội để phát tán, lây nhiễm mã độc, lừa đảo để phá hoại, chiếm đoạt thông tin của tổ chức, cá nhân người dùng. 

Trong lĩnh vực Kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt 10,2%. Doanh thu dịch vụ nền tảng số và kinh doanh trực tuyến ước đạt 288.420 tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình SMEdx là khoảng gần 270 nghìn doanh nghiệp, tăng 59% so với quý I/2022. Gần 35 nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số SMEdx, tăng hơn 10 lần so với quý I/2022. Sở dĩ có sự gia tăng như vậy là do bước sang quý II, Việt Nam trở lại trạng thái bình thường mới. Các doanh nghiệp nhận thức được vai trò của các nền tảng trong cuộc sống. Sau thời gian tiếp cận và dùng thử các nền tảng, số lượng các doanh nghiệp sử dụng nền tảng tăng vọt trong Quý II.

Các địa phương như Thanh Hóa, Đồng Nai, Kiên Giang… đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế. Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoại tỉnh, toàn quốc.

Ở lĩnh vực Công nghiệp ICT, doanh thu công nghiệp ICT trong Quý II ước đạt 36,7 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng – điện tử ước đạt 28,8 tỷ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ. 

Tính đến hết tháng 5/2022, Việt Nam có 66.800 doanh nghiệp công nghệ số, tăng 2.922 doanh nghiệp kể từ thời điểm cuối năm 2021.

Một sự kiện đáng chú ý trong tháng 6 là Lễ phát động Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" năm 2022 do Bộ TT&TT tổ chức nhằm tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc có tác động, ảnh hưởng lớn trong việc đưa hoạt động của người dân và doanh nghiệp lên môi trường số, góp phần thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam.

Ở lĩnh vực Báo chí, truyền thông, Bộ TT&TT đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban nhân dân TP.HCM, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Nhất trên toàn quốc, công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; các hoạt động chào mừng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và Hội sách trực tuyến Quốc gia trên sàn book365.vn. 

Bộ cũng phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức Diễn đàn “Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới" tại Hà Nội và khai trương Triển lãm số, Gian hàng số cùng chủ đề với mong muốn hỗ trợ thúc đẩy mở rộng thị trường, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu vải và các sản phẩm được chế biến từ vải ra các thị trường quốc tế mới, tạo ra kênh kết nối mở rộng cho thị trường nông sản Việt Nam. Đồng thời, thúc đẩy người Việt Nam ở nước ngoài ưu tiên dùng hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam. 

Bình Định tổ chức Hội nghị triển khai, phổ biến các nội dung "Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; hướng dẫn công tác quản lý và xử lý vi phạm trên lĩnh vực thông tin điện tử cho các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh….

Trong Quý II/2022, đã có 06 Đoàn công tác của Lãnh đạo Bộ đến làm việc với các địa phương (Ninh Bình, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hậu Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Sóc Trăng) nhằm giúp hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc; thúc đẩy phát triển lĩnh vực thông tin và truyền thông, đặc biệt là chuyển đổi số tại các địa phương.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng về việc nghiên cứu, thí điểm triển khai kết nối trực tuyến với các Sở TT&TT để theo dõi, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ, Văn phòng Bộ đã xây dựng và cơ bản đang hoàn thiện Hệ thống theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ của Sở TT&TT. 

Trên cơ sở Hệ thống tiếp nhận và xử lý kiến nghị trực tuyến ngành TT&TT, Văn phòng Bộ đã phát triển cơ sở dữ liệu các vấn đề nóng với hơn 150 vấn đề, bao gồm các nội dung câu hỏi và trả lời liên quan đến các vấn đề nóng, vấn đề cử tri quan tâm, các biểu đồ minh họa số liệu phát triển ngành nhằm hỗ trợ việc tìm kiếm, tra cứu các vấn đề phục vụ Bộ trưởng tham dự kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV.

Giải đáp thỏa đáng các kiến nghị, đề xuất, góp ý của các Sở TT&TT trên toàn quốc

Theo báo cáo của đại diện Văn phòng Bộ, Hệ thống tiếp nhận và xử lý kiến nghị trực tuyến ngành TT&TT do Văn phòng điều hành đã nhận được 70 kiến nghị của các Sở, trong đó hơn một nửa số kiến nghị liên quan đến ứng dụng CNTT và  tổng hợp. Các đơn vị thuộc Bộ đã trả lời nhanh, kịp thời, rõ ràng hầu hết các kiến nghị này trên hệ thống trực tuyến.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Tâm đã yêu cầu lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ trả lời những câu hỏi, kiến nghị, đề xuất và giải đáp thắc mắc của lãnh đạo các Sở TT&TT trong sáu lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; trả lời thêm, làm rõ cho phần trả lời trên Hệ thống tiếp nhận và xử lý kiến nghị trực tuyến ngành TT&TT.

Đối với câu hỏi về xử lý các vùng lõm sóng viễn thông tại Bình Định, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, các Sở TT&TT cần chủ động tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông đưa sóng về các thôn, đặc biệt là phải phối hợp với ngành điện đưa điện về thôn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp viễn thông kéo cáp sử dụng cột điện lực vì phí sử dụng cột điện rất cao. Nguồn ngân sách từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích cũng rất hạn chế nên việc xử lý vùng lõm sóng viễn thông quỹ không thể hỗ trợ 100%, Bộ phải động viên các doanh nghiệp đầu tư. Do đó, các Sở cần hết sức, chủ động phối hợp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông thực hiện công việc này.

Đại diện lãnh đạo Sở TT&TT Bắc Giang chia sẻ, Thủ tướng Chính phủ giao Bắc Giang làm thí điểm về hợp đồng lao động điện tử vì Bắc Giang hiện là địa phương có nhiều doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn tỉnh và tuyển dụng nhiều người lao động làm việc tại các nhà máy. Muốn ký được hợp đồng lao động điện tử thì các công nhân đều phải có chữ ký số cá nhân. Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia cho biết, hiện nay đã có thể ký số từ xa qua app (ứng dụng trên di động) với giá cước rất phù hợp cho người dân và dịch vụ này đã được một số doanh nghiệp cung cấp như VNPT, MISA… Việc thí điểm sử dụng hợp đồng lao động điện tử sẽ là một cú huých thúc đẩy chữ ký số cá nhân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Ngoài ra, các Thứ trưởng và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã trả lời thẳng thắn các câu hỏi, góp ý của các Sở TT&TT liên quan đến hạ tầng số, kinh tế số, sàn thương mại điện tử…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phan Tâm đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong quý II. Đối với những nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện trong quý III, Bộ trưởng đã giao kế hoạch chi tiết đến từng tháng, từng quý cho các đơn vị thuộc Bộ, cần phải bám sát các kế hoạch này để triển khai thực hiện đúng tiến độ, đạt chất lượng cao. Các Sở TT&TT cần bám sát các kế hoạch của UBND tỉnh và các chỉ đạo, kế hoạch của Bộ TT&TT để thực hiện tốt vai trò tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trong các lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông, chuyển đổi số, ứng dụng CNTT.

Theo mic.gov.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 4
Hôm nay : 698
Năm 2024 : 8.576
Tổng số : 2.611.964
Liên kết website