A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghị định số 154/2020/NĐ-CP của Chính phủ

Nghị định số 154/2020/NĐ-CP của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Ngày 31 tháng 12 năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021. Nghị định sửa đổi nhiều nội dung, trong đó có một số nội dung mới cần chú ý như sau:

        1. Bổ sung thêm trường hợp Nghị quyết của Hội đồng nhân dân không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

            Về các trường hợp Nghị quyết do Hội đồng nhân dân và Quyết định do Ủy ban nhân dân ban hành không phải là văn bản quy phạm pháp luật, ngoài các trường hợp đã được quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP thì Nghị định số 154/2020/NĐ-CP bổ sung điểm g1 nêu rõ “Nghị quyết về chương trình, đề án, dự án, kế hoạch” cũng không phải là văn bản quy phạm pháp luật. 

       2. Sửa đổi quy định về các trường hợp lập đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh

        Trước đây, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, các trường hợp thực hiện quy trình đề nghị xây dựng nghị quyết gồm khoản 2,3,4 Điều 27 Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (được hướng dẫn bởi khoản 4 Điều 4 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP). Tuy nhiên, đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 thì chỉ còn lại Điều 27 của Luật là phải thực hiện quy trình lập đề nghị xây dựng Nghị quyết. Do đó, để phù hợp với Luật mới, Nghị định số 154/2020/NĐ-CP chỉ quy định trường hợp phải lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật.

3. Sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá tác động chính sách

+ Về đánh giá tác động của chính sách, Nghị định số 154/2020/NĐ-CP nêu rõ, tác động về xã hội được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo tác động đối với một hoặc một số nội dung về dân số, việc làm, tài sản, sức khỏe, môi trường, y tế, giáo dục, đi lại, giảm nghèo, giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng, xã hội, chính sách dân tộc (nếu có) và các vấn đề khác có liên quan đến xã hội.

+ Tác động về giới (nếu có) được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo các tác động kinh tế, xã hội liên quan đến cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới.

+ Tác động đối với hệ thống pháp luật được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo tác động đối với tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; khả năng thi hành và tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; khả năng thi hành và tuân thủ của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

        4. Bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật

        Theo đó, Nghị định đã bổ sung trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật “Trả lời bằng văn bản đối với ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong trường hợp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.”.

        5. Sửa đổi, bổ sung quy định về thành lập và hoạt động của Hội đồng tư vấn thẩm định

        Khoản 12 Điều 1 nghị định 154/2020/NĐ-CP quy định: Giám đốc Sở Tư pháp thành lập hội đồng tư vấn thẩm định có trách nhiệm thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định đối với dự thảo nghị quyết, quyết định liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc do Sở Tư pháp chủ trì soạn thảo quy định tại khoản 1 Điều 121 và khoản 1 Điều 130 của Luật. Hội đồng tư vấn thẩm định gồm Chủ tịch là lãnh đạo Sở Tư pháp, Thư ký là đại diện Sở Tư pháp và các thành viên là đại diện các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức khác có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học. So với Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã bổ sung việc thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định quy định khoản 1 Điều 121 luật năm 2015.

       6. Sửa đổi, bổ sung về các trường hợp văn bản QPPL được xem là trái pháp luật.

        Theo đó, Nghị định đã quy định cụ thể, rõ ràng hơn về trường hợp trái pháp luật như sau: Văn bản trái pháp luật gồm văn bản ban hành không đúng thẩm quyền; văn bản có nội dung trái với Hiến pháp, trái với văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn; văn bản quy định thời điểm có hiệu lực trái với quy định tại khoản 1 Điều 151 của Luật; văn bản vi phạm quy định của pháp luật về đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra dự thảo; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành trong trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo trình tự, thủ tục rút gọn nhưng không thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 147 của Luật.

        7. Sửa đổi, bổ sung quy định về kết luận kiểm tra văn bản

        Điểm a khoản 5 Điều 115 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định “Thủ trưởng cơ quan kiểm tra văn bản xem xét, kết luận theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, kết luận về nội dung trái pháp luật của văn bản”. Tuy nhiên, Nghị định 154/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm quy định: “Cơ quan kiểm tra văn bản có thể kiến nghị về tính minh bạch, khả thi, hiệu quả của văn bản”.

        8. Sửa đổi bổ sung quy định về điều khoản chuyển tiếp

        Theo đó các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trước ngày 01 tháng 01 năm 2021 đang còn hiệu lực, chưa được kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa được thực hiện theo quy định của Luật và Nghị định này.”.

        Ngoài ra, Nghị định còn sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác. Trong đó có các mẫu phụ lục như: Bổ sung tên Phụ lục II như sau: “Sơ đồ, bố trí các thành phần thể thức văn bản quy phạm pháp luật”; Bổ sung tên Phụ lục III như sau: “Các mẫu về kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật”; Bổ sung tên Phụ lục IV như sau: “Các mẫu về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật”; Bổ sung Phụ lục VI vào sau Phụ lục V; Thay thế Phụ lục I và Phụ lục V.

 

                                                                                                Hương Đinh Thanh tra Sở


Tập tin đính kèm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 2
Hôm nay : 708
Năm 2024 : 11.425
Tổng số : 2.614.813
Liên kết website