A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh Đắk Nông 6 tháng đầu năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình thời tiết cơ bản thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Cung cầu hàng hóa trong tỉnh được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng và sử dụng các dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch tăng cao, đặc biệt trong các dịp lễ. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, sự xuất hiện hàng loạt các biến chủng mới với khả năng lẩn tránh miễn dịch rất cao, nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Một số nhà máy không đảm bảo được nguồn nguyên liệu để sản xuất, thị trường tiêu thụ giảm nên sản lượng sản xuất các sản phẩm công nghiệp giảm. Nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước sản xuất trên địa bàn một số huyện. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chủ động tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tích cực triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại các Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả giai đoạn 2021-2025; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp và trong quá trình triển khai thực hiện một số công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh; tích cực xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài và những vấn đề phát sinh; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số; tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội... để từng bước khơi thông các điểm “nghẽn”, tạo động lực khôi phục và phát triển kinh tế. Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản vẫn giữ được ổn định, một số ngành, lĩnh vực có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ và đạt được những kết quả quan trọng và khá toàn diện. Cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, AN NINH QUỐC PHÒNG 6 THÁNG ĐẦU NĂM

1. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu

Trong 11 nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2023 đề ra thì có 08 nhóm chỉ tiêu có thể đánh giá kết quả thực hiện 6 tháng, 03 nhóm chỉ tiêu sẽ đánh giá vào cuối năm, cụ thể:

(1) Tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh 2010) ước đạt 5,23% (kế hoạch 7,5%), đứng thứ 3/5 khu vực Tây Nguyên. Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp ước tăng 5,19%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 3,96%; khu vực dịch vụ ước tăng 5,7%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,05% (riêng GRDP bình quân đầu người sẽ đánh giá vào cuối năm).

(2) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 8.361,8 tỷ đồng, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 39% kế hoạch.

(3) Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 1.550 tỷ đồng, giảm 20,5% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 42% dự toán địa phương giao.

(4) Kết cấu hạ tầng: Tỷ lệ nhựa hóa chung ước đạt 69% (kế hoạch 70%); tỷ lệ đô thị hóa đạt 28%, đạt kế hoạch; tỷ lệ đáp ứng cho diện tích có nhu cầu tưới đạt 82,38% (kế hoạch 83%).

(5) Lao động và việc làm: Số lao động được tạo việc làm là 10.511 lượt người, đạt 57,75% kế hoạch và tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022; tỷ lệ người lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội ước đạt 11,23% (kế hoạch 15%).

(6) Giảm nghèo (theo chuẩn giai đoạn 2021-2025): Đánh giá cuối năm.

(7) Y tế: Đạt 20,2 giường bệnh/vạn dân, đạt kế hoạch; đạt 8,5 bác sỹ/vạn dân, đạt kế hoạch; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của người dân ước đạt 82,03% (kế hoạch 92,75%).

(8) Giáo dục: Đã công nhận mới 09 trường học đạt chuẩn quốc gia, bằng  so với cùng kỳ và đạt 81,8% kế hoạch.

(9) Văn hóa: Đánh giá cuối năm.

(10) Môi trường: Tỷ lệ che phủ rừng đạt 38,52% (kế hoạch 39%).

(11) Nông thôn mới: Đánh giá cuối năm.

2. Về phát triển kinh tế

2.1. Tăng trưởng GRDP

Tổng sản phẩm trên địa bàn (giá so sánh 2010) ước đạt 9.189 tỷ đồng, tăng 5,23%; trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước đạt 2.356 tỷ đồng, tăng 5,19%; khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 2.112,73 tỷ đồng, tăng 3,96%; khu vực dịch vụ đạt 4.303 tỷ đồng, tăng 5,7%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước đạt 416,75 tỷ đồng, tăng 7,05%. GRDP giá hiện hành ước đạt 16.405,02 tỷ đồng.

2.2. Công nghiệp

Tình hình sản xuất công nghiệp cơ bản vẫn giữ được nhịp tăng trưởng, phần lớn các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, một số nhà máy không đảm bảo được nguồn nguyên liệu để sản xuất, thị trường tiêu thụ giảm nên sản lượng sản xuất giảm. Chỉ số sản xuất công nghiệp 06 tháng đầu năm 2023 ước tăng 5,41% so với cùng kỳ năm 2022.

2.3. Nông nghiệp và phát triển nông thôn

- Gieo trồng vụ Đông Xuân 2022-2023 là 10.230ha, đạt 99% kế hoạch; vụ Hè Thu năm 2023 gieo trồng đạt 16.452 ha, chậm hơn cùng kì năm trước 3.049 ha, đạt 33% kế hoạch. Diện tích cây lâu năm chưa có sự biến động do mới bắt đầu vào mùa mưa. Tình hình dịch bệnh trên cây trồng không đáng kể, tỷ lệ gây hại thấp.

- Tình hình chăn nuôi giảm so với 03 tháng đầu năm, do giá thành thức ăn chăn nuôi tăng, giá thịt hơi giảm. Vì vậy người dân chưa mạnh dạn tái đàn.

- Lâm nghiệp: Tỷ lệ che phủ rừng đạt 38,52%/kế hoạch 39%. Trong kỳ, đã xảy ra 96 vụ, diện tích rừng bị thiệt hại 20,2392 ha (giảm 21,5272 ha so với cùng kỳ năm 2022).

- Đến nay, toàn tỉnh có 36/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 60%; bình quân mỗi xã đạt 16,58 tiêu chí/xã và không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. Kết quả theo từng nhóm như sau: Đạt 19 tiêu chí có 35 xã, chiếm 58,3%; đạt từ 15-18 tiêu chí có 6 xã, chiếm 10%; đạt từ 10-14 tiêu chí có 19 xã, chiếm 31,7%.

- Tỷ lệ công trình thủy lợi do Nhà nước quản lý đáp ứng cho diện tích có nhu cầu tưới ước đạt 82,38%, tăng 1,11% so với cùng kỳ năm 2022. Đến nay, tổng số hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh là 119.410 hộ, đạt tỷ lệ 92,4% (kế hoạch 93%), tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2022; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn là 52,4% (kế hoạch 53%), tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022.

2.4. Thương mại, dịch vụ và du lịch

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 11.550 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 54,38% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 572 triệu USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 45% kế hoạch. Kim ngạch nhập khẩu dự kiến đạt 124 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 49,6% kế hoạch.

- Khối lượng vận chuyển hành khách ước đạt 2.205.210 hành khách, tăng 63,37% so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng hành khách luân chuyển ước đạt 451.978.760 HK.Km, tăng 62,77% so với cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 2.732.920 tấn, tăng 28,09% so với cùng kỳ; sản lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 293.135.370 tấn.Km, tăng 24,75% so với cùng kỳ.

- Tổng lượt khách du lịch đến Đắk Nông ước đạt 412.000 lượt khách, tăng 68,5% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế ước đạt 2.470 lượt khách, tăng 357,4% so với so với cùng kỳ năm 2022. Tổng lượt khách lưu trú ước đạt 198.000 lượt. Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 79.400 triệu đồng, tăng 218,9% so với cùng kỳ năm 2022.

2.5. Đầu tư phát triển

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 8.361,8 tỷ đồng, tăng 0,6% so với cùng kỳ, đạt 39% kế hoạch.

- Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là 3.822,7 tỷ đồng. Đến ngày 31/5/2023, đã giải ngân được 833,669 tỷ đồng, đạt 21,8% (cập nhật đến 28/6/2023, đã giải ngân đạt 24,7%). Nhìn chung, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra.

- Trong 6 tháng đầu năm, đã chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 02 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng mức đầu tư đăng ký là 323 tỷ đồng. Ngoài ra, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 02 nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 19 tỷ đồng, diện tích đất thuê lại 0,84 ha trong Khu công nghiệp Tâm Thắng.

2.6. Thu, chi ngân sách

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 06 tháng đầu năm là 1.550 tỷ đồng, giảm 20,5% so với cùng kỳ, đạt 49% dự toán Trung ương giao và đạt 42% dự toán địa phương giao. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 06 tháng đầu năm là 4.856 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ và đạt 53% dự toán địa phương giao. Nhìn chung, chi ngân sách địa phương được phân bổ đảm bảo thời gian theo quy định; kiểm soát chặt chẽ các khoản chi thường xuyên; đáp ứng kịp thời cho các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội của địa phương, đặc biệt là công tác phòng, chống và hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

2.7. Doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh

- Trong kỳ, có 274 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 17,9% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký là 1.120 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ. Có 36 doanh nghiệp giải thể, giảm 14% so với cùng kỳ; 114 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giảm 20% so với cùng kỳ.

- Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Đắk Nông năm 2022 đánh dấu sự thăng hạng vượt bậc, đạt với 64,87 điểm, đứng thứ 38/63 tỉnh, thành cả nước, tăng 2,95 điểm và 14 bậc. Đây là thứ hạng cao nhất của Đắk Nông kể từ thời điểm đánh giá PCI.

2.8. Đô thị, xây dựng và kết cấu hạ tầng

- Tỷ lệ đô thị hóa trong 6 tháng đầu năm đạt 28%, bình quân m2 sàn xây dựng nhà ở tính trên một người dân đạt 25,1 m2/người (kế hoạch 25,5 m2/người).

- Hạ tầng giao thông: Trong 6 tháng đầu năm, khối lượng thi công hoàn thành các công trình giao thông chuyển tiếp đạt kết quả khá, các công trình khởi công mới trong năm 2023 đang tập trung ở hạng mục nền, móng đường và hệ thống thoát nước. Đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp được khoảng 100Km đường giao thông, nâng tỷ lệ nhựa hoá đường toàn tỉnh từ 68% lên 69% (kế hoạch 70%).

- Hạ tầng cấp điện: Hạ tầng lưới điện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được đầu tư, cải tạo nâng cấp, mở rộng nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho nhu cầu hoạt động sản xuất và sinh họat, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh tại địa phương.

2.9. Công tác lập Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 05/4/2023, Hội đồng thẩm định Hồ sơ Quy hoạch tỉnh đã tổ chức thẩm định và thông qua Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương tiếp thu, giải trình ý kiến của Hội đồng thẩm định, đồng thời rà soát tổng thể nội dung để hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2023.

2.10. Về chuyển đổi số

- Tỷ lệ vùng phủ sóng thông tin di động đạt 98% các khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh. Hạ tầng Internet băng rộng cố định đã được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

- Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã chính thức kết nối và khai thác dữ liệu trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong tháng 02/2023.

- Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến: 08/08 huyện, thành phố, đạt tỷ lệ 100%; 17/17 Sở, Ban, ngành (đạt tỷ lệ 100%) có thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh đã triển khai niêm yết thủ tục hành chính bằng mã QR-code.

- Việc triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Đã triển khai thực hiện 17/25 thủ tục hành chính thiết yếu trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của Bộ Công an.

2.11. Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

- Đã tổ chức thẩm định kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2023 của 08/08 huyện, thành phố. Thực hiện việc rà soát, bổ sung, đánh giá các chỉ tiêu về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Rà soát bổ sung các mỏ vật liệu xây dựng, các dự án đầu tư để bổ sung vào các phương án quy hoạch lĩnh vực tài nguyên và môi trường vào quy hoạch tỉnh.

- Tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn liên quan lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhất là các vấn đề liên quan việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư; các vướng mắc liên quan đến đất san lấp vật liệu, chống lấn của các dự án liên quan đến quy hoạch bôxít, quy hoạch khoáng sản.

- Triển khai nhiều giải pháp để tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường. Kịp thời nắm bắt, kiểm tra và xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường theo đơn phản ánh, kiến nghị của người dân, báo chí.

2.12. Tình hình triển khai thực hiện 03 Chương trình Mục tiêu quốc gia (viết tắt là MTQG)     

Tổng ngân sách địa phương đối ứng thực hiện 03 chương trình MTQG năm 2023 là 229,097 tỷ đồng, đến nay đã bố trí là 131,109 tỷ đồng. Đến ngày 31/5/2023, lũy kế giải ngân vốn 03 Chương trình MTQG là 243,744 tỷ đồng, đạt 13,0%; trong đó, giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2022 được kéo dài thực hiện trong năm 2023 là 223,103 tỷ đồng, đạt 27,9%; giải ngân nguồn vốn năm 2023 là 20,641 tỷ đồng, đạt 1,85%.

3. Về phát triển văn hóa, xã hội

- Hoạt động văn hóa văn nghệ, thông tin tuyên truyền được tổ chức với nhiều nội dung và hình thức phong phú, tạo không khí sôi nổi rộng khắp, kịp thời phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước, cũng như của địa phương. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội được chú trọng, mục tiêu gắn lễ hội với phát triển du lịch được thực hiện có hiệu quả, thống nhất từ cấp ủy Đảng đến chính quyền các cấp quan tâm và Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc bản địa trên địa bản tỉnh luôn được quan tâm triển khai thực hiện tốt.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được triển khai rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, được các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng và đã đạt được những kết quả quan trọng. Theo thống kê năm 2022, toàn tỉnh có: 45/71 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn văn minh đô thị, đạt tỷ lệ 63,38%; 133.452/151.479 gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 88,09%; 673/713 thôn, bon, buôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 94,38%; 829/863 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 96,06%.

Phong trào thể dục thể thao tiếp tục được đẩy mạnh từ tỉnh đến cơ sở và đã có những bước phát triển sâu rộng, thu hút đông đảo quần chúng tham gia.

- Quy mô giáo dục phát triển ổn định, chất lượng đào tạo cũng từng bước được cải thiện, góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực có chất lượng cho địa phương và các tỉnh lân cận. Trong 6 tháng đầu năm, ngành giáo dục đã kiểm tra và công nhận mới 09 trường học đạt chuẩn quốc gia, bằng so với cùng kỳ và đạt 81,8% kế hoạch. Chỉ đạo toàn ngành giáo dục và đào tạo đẩy mạnh công tác tổ chức dạy học ở các khối lớp, nhất là khối 12 để phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

- Công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh được triển khai kịp thời, hiệu quả. Triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng, giao chỉ tiêu tiêm chủng tới tận cấp xã. Công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn luôn được chú trọng và từng bước được cải thiện, hiệu quả hơn.

- Công tác giảm nghèo được quan tâm, đẩy mạnh các giải pháp thực hiện. Công tác an sinh xã hội, chế độ đối với người có công, gia đình chính sách được được chú trọng, thực hiện tốt, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng theo quy định, nhất là vào các dịp lễ, tết. Công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới luôn được chú trọng. Tuy vậy, trong 06 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 54 vụ tai nạn thương tích, làm 16 em tử vong, trong đó 08 vụ tai nạn đuối nước làm 14 em tử vong, tăng 07 em bị tử vong so với cùng kỳ năm 2022. Trong điều kiện an sinh xã hội của tỉnh còn hạn chế, thiếu điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em, địa bàn rộng, có nhiều ao hồ, sông, suối, cơ sở hạ tầng, đường sá không đảm bảo,…dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn tại nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là đuối nước trẻ em.

- Công tác quản lý các nhiệm vụ KH&CN được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình; công tác quản lý nhà nước về công nghệ, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ và hạt nhân thực hiện đảm bảo theo quy định; công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng triển khai kịp thời; công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực được dư luận quan tâm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về KH&CN trên địa bàn tỉnh.

- Các cơ quan báo chí, phát thanh và truyền hình luôn chủ động bám sát các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và định hướng nội dung tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để tổ chức tuyên truyền có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Duy trì thường xuyên Bản tin Điểm báo hàng tuần; điểm tin, điểm báo hàng ngày phục vụ cung cấp thông tin báo chí phản ánh về diễn biến tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành đạt hiệu quả.

4. Về cải cách hành chính, tư pháp và nội chính

- Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC). Triển khai hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn tỉnh năm 2023, qua đó, đã thực hiện đơn giản hóa đối với 321 TTHC, công bố mới 13 TTHC, bãi bỏ và thay thế 66 TTHC. Tỷ lệ giải quyết TTHC trước, đúng hạn luôn đạt tỷ lệ cao ở 3 cấp, đạt trên 95%. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số gắn với CCHC tạo thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền. Tỷ lệ sử dụng văn bản điện tử của các cấp đạt 91,3%. Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã tích hợp ứng dụng một cửa điện tử liên thông của tỉnh cung cấp 402 dịch vụ công mức độ 3 và 694 dịch vụ công mức độ 4; kết nối 526 TTHC của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

- Công tác hành chính tư pháp tiếp tục được chú trọng, phục vụ tốt nhu cầu của người dân; quản lý Nhà nước đối với các tổ chức bổ trợ tư pháp được thực hiện chặt chẽ. Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm; số vụ việc khiếu nại, tố cáo mới, phát sinh, nhất là số vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp giảm đáng kể, không để xảy ra các điểm nóng về an ninh trật tự.

- Thực hiện tốt các chương trình, chính sách dân tộc, tổ chức thăm hỏi, tặng quà Tết đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai thực hiện tốt; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh được triển khai đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất, ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Tình hình hoạt động của tôn giáo trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động từ thiện, nhân đạo…đóng góp tích cực vào sự ổn định tình hình chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

5. Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại

Tình hình quốc phòng, an ninh chính trị, xã hội được duy trì ổn định. Chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ kết hợp phòng thủ dân sự cho huyện Đắk Song, Đắk R’Lấp. Tình hình tội phạm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh luôn được đảm bảo. Tình hình trật tự an toàn giao thông được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí. Phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia trong công tác ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, phòng chống dịch. Tổ chức thành công Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện thỏa thuận hợp tác và phát triển kinh tế - xã hội giữa hai tỉnh giai đoạn 2016-2021 và ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển giai đoạn 2022-2025.

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng ổn định, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt khá, một số chỉ tiêu có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ; thị trường hàng hóa được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng và sử dụng các dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch tăng cao; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức sôi nổi; công tác an sinh xã hội và đời sống Nhân dân được đảm bảo; quản lý tài nguyên, môi trường từng bước được siết chặt; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:

- Các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh vẫn còn gặp tình trạng giá cả không ổn định, phụ thuộc lớn vào thị trường xuất khẩu, nhất là Trung Quốc; giá vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón duy trì ở mức cao đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế, làm giảm thu nhập của người nông dân.

- Giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp còn thấp; tình hình sản xuất của một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về vốn, nguyên liệu và thị trường tiêu thụ.

- Tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước còn chậm. Tiến độ triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia còn nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách trong việc thực hiện. Nhiều dự án, công trình xây dựng bị vướng quy hoạch khoáng sản, thiếu vật liệu san lấp dẫn đến thi công và giải ngân kế hoạch vốn chậm tiến độ.

- Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư và hoàn thiện hồ sơ pháp lý, xử lý các vấn đề phát sinh có liên quan vẫn còn nhiều vướng mắc.

- Một số nhiệm vụ còn triển khai chậm trễ, nhất là các nhiệm vụ liên quan vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất; thu hồi đất sau kết luận thanh, kiểm tra; giải quyết vướng mắc tại các khu đất được giao quản lý để đấu giá quyền sử dụng đất; các nhiệm vụ liên quan đến các Hội đồng giải thể các công ty nông lâm trường.

- Tình trạng khai thác khoáng sản nhỏ, lẻ và san lấp mặt bằng trái phép vẫn tiếp tục diễn ra trên địa bàn tỉnh, việc xử lý vi phạm của các địa phương còn chậm và còn nhiều lúng túng.

- Đội ngũ giáo viên các cấp tuy được quan tâm bổ sung, song vẫn còn thiếu nhiều so với định mức quy định, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học.

- Việc triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước tại các đơn vị được kiểm toán chưa được xử lý dứt điểm dẫn đến kéo dài qua nhiều năm.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI NĂM 2023

Dự báo trong thời gian tới, tình hình sẽ có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, trong đó khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn. Trong nước sẽ chịu các thách thức do sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; giá nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh tiếp tục xu hướng tăng… Trong tỉnh, tiếp tục chịu ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, tác động lớn đến nền kinh tế nội tỉnh, biến động về giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao đặt ra nhiều nhiệm vụ nặng nề và thách thức to lớn.

Trong bối cảnh đó, với quyết tâm cao nhất để thực hiện hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, Ủy ban nhân dân tỉnh xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của 6 tháng cuối năm 2023 như sau:

1. Tập trung tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đề ra tại các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch của Chính phủ, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Hỗ trợ, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh

- Về công nghiệp: Tập trung đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư: Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Nhà máy điện phân nhôm, các dự án năng lượng tái tạo, các dự án phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tập trung tháo gỡ các khó khăn để đầu tư xây dựng và sớm hoàn thiện hạ tầng Khu công nghiệp Nhân cơ, đáp ứng tiến độ xây dựng Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông sớm đi vào hoạt động. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp.

- Về nông nghiệp và phát triển nông thôn: Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản gắn với chuỗi giá trị và xây dựng nông thôn mới; hướng đến nền nông nghiệp xanh, sạch, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.

- Về du lịch: Khảo sát các địa điểm kết nối, xây dựng các tuyến du lịch mới gắn với các sản phẩm OCOP và các nông sản, thủ công mỹ nghệ để hình thành sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch. Tập trung thu hút đầu tư các khu, điểm du lịch trọng điểm để khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế về khí hậu, địa hình tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

- Về thương mại: Triển khai thực hiện Đề án thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa có lợi thế phát triển của miền núi, vùng sâu, vùng xa thông qua hệ thống phân phối trên thị trường; Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Kế hoạch xuất khẩu hàng chủ lực tỉnh Đắk Nông; Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Đắk Nông năm 2023; Kế hoạch đưa sản phẩm nông nghiệp thế mạnh và chất lượng cao vào tiêu thụ tại các siêu thị trong nước năm 2023.

- Về giao thông, vận tải: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); kiểm tra, xử lý trật tự vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải; tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động đào tào, sát hạch cấp giấy phép lái xe.

- Về thông tin truyền thông: Đẩy mạnh triển khai Đề án Chuyển đổi số và kế hoạch triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển đổi số năm 2023 theo Kế hoạch đề ra. Xây dựng nền tảng Cổng dữ liệu mở Đắk Nông trên cơ sở đầu tư bổ sung cơ sở dữ liệu quan trọng. Đầu tư Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh, triển khai đến cơ sở phục vụ truyền thông thông minh.

3. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023; 03 chương trình mục tiêu quốc gia; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Quy hoạch tỉnh.

4. Đẩy mạnh quản lý công tác thu chi và điều hành có hiệu quả ngân sách nhà nước

- Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thuế, thu hồi nợ thuế, chống thất thu ngân sách.

- Tăng cường quản lý chi ngân sách nhà nước, đảm bảo tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả trong phạm vi dự toán được duyệt, phù hợp với tiến độ thu ngân sách. Tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị dự toán, chủ tài khoản và chính quyền các cấp trong việc sử dụng ngân sách nhà nước; thực hiện có hiệu quả chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng và công khai minh bạch tài chính - ngân sách.

5. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để đẩy mạnh thu hút đầu tư

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương và của tỉnh về công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Đắk Nông năm 2023. Tăng cường giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh, nhất là trong việc giải phóng mặt bằng, giải quyết các thủ tục đầu tư, đất đai, lao động, xây dựng, tiếp cận tín dụng…

6. Phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, tăng cường các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống Nhân dân

- Về văn hóa - thể thao: Xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Rào bon trồng cây gòn (Tăm Plang Prang bon) của dân tộc M’Nông, huyện Krông Nô trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Triển khai hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đón tiếp và làm việc với chuyên gia UNESCO đến tỉnh Đắk Nông để thẩm định Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

- Về giáo dục đào tạo: Quan tâm bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Tăng cường công tác kiểm tra, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

- Về y tế: Tiếp tục thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Thực hiện tốt kế hoạch tiêm chủng, phòng chống dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác ở người. Hoàn thiện Phương án tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế.

- Giảm nghèo, an sinh xã hội: Tiếp tục thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo theo hướng bền vững, tăng cường khả năng tiếp cận của đối tượng thụ hưởng và sự tham gia của người nghèo, trong đó chú trọng các giải pháp khuyến khích người nghèo vươn lên tự thoát nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

7. Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, công tác xây dựng chính quyền, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo

- Thực hiện hiệu quả cải cách công vụ; thắt chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, khắc phục tình trạng sợ sai, né tránh, đùn đẩy công việc ở một bộ phận cán bộ, công chức. Tập trung rà soát, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thanh tra. Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định.

8. Về công tác đối ngoại, quốc phòng, an ninh

- Tăng cường củng cố quốc phòng an ninh cả về tiềm lực và thế trận, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đặc biệt tại các khu vực trọng điểm, vùng biên giới, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc. Tăng cường nắm tình hình, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; không để bị động, bất ngờ.

- Đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh trong khu vực, các tổng công ty lớn của Trung ương. Mở rộng quan hệ với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia./.


Tập tin đính kèm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 731
Năm 2024 : 25.499
Tổng số : 2.628.887
Liên kết website