A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ TT&TT giao ban trực tuyến công tác quản lý nhà nước Quý III/2020

Bộ TT&TT giao ban trực tuyến công tác quản lý nhà nước Quý III/2020 09/09/2020 Sáng ngày 7/9, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến giao ban quản lý nhà nước (QLNN) Quý III/2020. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Thứ trưởng Bộ TT&TT; đại diện lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ TT&TT và đại diện 10 cơ quan chuyên trách về CNTT thuộc các Bộ, ngành Trung ương, Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông qua các điểm cầu.

20200907-l0.jpg

 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu kết luận Hội nghị 
 
Tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương đã thông báo tóm tắt về công tác QLNN; các công việc, tồn tại, vướng mắc; kết quả giải quyết kiến nghị, khó khăn; các công việc Sở TT&TT cần đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trong Quý III/2020.

Theo đó, trong Quý III/2020, Bộ TT&TT đã nhận được 7.793 kiến nghị, trong đó có: 7.610 kiến nghị do người dân, doanh nghiệp, tổ chức gửi đến (đã giải quyết: 7.601 kiến nghị; 09 kiến nghị đang giải quyết); Số kiến nghị các Sở gửi đến các đơn vị thuộc Bộ trong Quý III là 19 kiến nghị đã được giải quyết 100%; Số kiến nghị do Sở gửi tới Hội nghị giao ban QLNN Quý III/2020: 164 kiến nghị. 100% các kiến nghị của các Sở gửi đến Hội nghị giao ban đã được các đơn vị thuộc Bộ trả lời và nội dung trả lời đã được đăng tải trên Cổng TTĐT của Bộ.
 
Điểm nổi bật trong Quý III/2020 là lĩnh vực Ứng dụng CNTT có những chuyển biến rõ nét. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4 trên cả nước đạt trên 48,55% (tăng 20% so với 12/2019); Tỷ lệ DVCTT có phát sinh hồ sơ cả nước mức độ 3, mức độ 4 đạt 29,81% (tăng 56% so với cuối năm 2019). Có 55 tỉnh, 21 Bộ đã kết nối vào nền tảng chia sẻ dữ liệu quốc gia tăng gần gấp đôi so với đầu năm 2020. Hiện có khoảng 83,70% các Bộ, ngành, địa phương đã xây dựng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh (năm 2018 chỉ đạt 3%; năm 2019 đạt khoảng 27%).
 
Song song với đó, các Sở TT&TT đã tích cực tham mưu triển khai các chủ trương, chính sách lớn về tham gia CMCN 4.0, chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Đặc biệt, các Sở TT&TT như: Bắc Kạn, Bình Định, Hà Giang, Lai Châu, Quảng Trị, Thái Bình, Tuyên Quang, Ninh Bình đã phối hợp với Bộ TT&TT triển khai thí điểm chuyển đổi số tại một số xã. Một số Sở TT&TT như: Hậu Giang, Gia Lai, Thái Nguyên đã hoàn thiện và ban hành đề án thí điểm xây dựng Đô thị thông minh địa phương giai đoạn 2020-2025; Sở TT&TT Bắc Giang đã hoàn thiện Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; Sở TT&TT Kon Tum xây dựng thí điểm Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC), ban hành Quy chế kết nối, chia sẻ và đồng bộ cơ sở dữ liệu của tỉnh...
 
Ngoài ra, đã có 12/20 Bộ, 39/63 Tỉnh (đạt tỷ lệ 61,5%) triển khai bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp, tăng nhanh so với tháng 7 (43%); 39 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có kết nối về Trung tâm giám sát An toàn không gian mạng Quốc gia tại Bộ TT&TT.
 
Cũng trong Quý III, đã có 46/63 địa phương đã triển khai xong Quy hoạch báo chí đạt tỷ lệ 73%. Đối với công tác đấu tranh với các mạng xã hội nước ngoài, vừa qua, Facebook đã bổ sung điều khoản mới về việc sẽ xóa, chặn nội dung các bài viết của người sử dụng theo yêu cầu pháp lý của Chính phủ Việt Nam (trong tháng 7/2020, Bộ TT&TT đã yêu cầu các mạng xã hội gỡ gần 100 bài viết, 300 video xuyên tạc, đưa thông tin sai lệch và bôi nhọ Lãnh đạo Đảng và Nhà nước; nhiều bài viết, trò chơi vi phạm quy định pháp luật Việt Nam).
 
Tính đến tháng 8/2020, cả nước có 9.534 đài truyền thanh cấp xã, đạt tỷ lệ 89,82% xã, phường, thị trấn có đài. Trong đó, có 42/63 tỉnh, thành phố đã đầu tư thiết lập 157 đài ứng dụng CNTT- viễn thông (tăng 85 đài, tương đương 120% so với năm 2019). Một số địa phương: Hà Giang, Bắc Kạn, Quảng Trị, Bình Phước, Đồng Tháp, Tây Ninh đang tích cực triển khai đầu tư đài truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông thế hệ mới (truyền thanh thông minh).
 
Tại Hội nghị, một số Sở TT&TT và đơn vị thuộc Bộ đã phổ biến kinh nghiệm tốt, cách làm mới, tiếp cận mới như: Sở TT&TT Ninh Bình chia sẻ “Kinh nghiệm thí điểm chuyển đổi số cho xã Yên Hòa (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình)”. Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) với tham luận “Cách nghĩ, cách làm mới để thúc đẩy phát triển Chính phủ số”.
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Việc đo đạc chỉ số của Chính phủ điện tử rất quan trọng, vừa qua, Cục Tin học hóa đã triển khai cách làm mới và cho thấy rõ hiệu quả, thấy địa phương khó khăn thì sinh ra nền tảng hỗ trợ. Các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, các Sở TT&TT cần tham khảo, học tập. “Không đo đạc và không có dữ liệu thì không quản lý được”, Bộ trưởng chỉ rõ.
 
Về xây dựng chiến lược chuyển đổi số, các Sở TT&TT, trực tiếp là Giám đốc Sở tham mưu Tỉnh ủy ra Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số tại địa phương; UBND tỉnh ra chiến lược chuyển đổi số của tỉnh trong năm 2020 và bổ sung nhiệm vụ chuyển đổi số cho các đơn vị chuyên trách về CNTT tại các Bộ/ngành, trong năm 2020 xây dựng xong chiến lược chuyển đổi số của Bộ/ngành/lĩnh vực mình quản lý.
 
Chương trình phổ cập 100% smartphone, cáp quang tới hộ gia đình là chương trình quan trọng của lĩnh vực viễn thông để thực hiện chuyển đổi số làm kinh tế số, xã hội số và chính phủ số... Do vậy, các đơn vị thuộc Bộ có liên quan và các Sở TT&TT cần đứng ra dàn xếp để các doanh nghiệp chia nhau theo khu vực, tránh sự cạnh tranh bất bình đẳng trên địa bàn. Đồng thời, các Sở TT&TT cần tham mưu, tư vấn cho HĐND, UBND tỉnh hàng năm có 1% ngân sách để chi cho CNTT và chi cho thông tin tuyên truyền đang khoảng 0,25% hoặc có thể tăng lên 0,3% hàng năm.
 
Đối với phần mềm Bluezone, Bộ trưởng cho rằng, nhiều tỉnh đã có số thuê bao di động cài đặt Bluezonne đạt trên 30%, trong đó hiệu quả nhất là Hải Dương với tỷ lệ khai báo, cài đặt cao. Việc cài đặt này giảm được nhiều công sức trong việc truy vết nguồn gốc F1, F2. Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, hiện có một số tỉnh không có dịch nên có tâm lý chủ quan. Do vậy cần triển khai cài đặt ứng dụng Bluezone, nếu không sẽ không hiệu quả và cố gắng đẩy lên mức 30% số thuê bao được cài đặt.
 
Bộ trưởng nêu rõ, các Sở TT&TT cần tập trung xây dựng kế hoạch năm ngay từ tháng 10 để tháng 11 hoàn thiện xong kế hoạch báo cáo lãnh đạo tỉnh. Trong kế hoạch hàng năm cần lưu ý kế hoạch phát triển hạ tầng số (không phải phát triển hạ tầng viễn thông thụ động) với tốc độ, vùng phủ trên phần trăm dân, vùng phủ tốc độ. Đồng thời, Cục Viễn thông phải có kế hoạch phát triển hạ tầng số trong 2021.
 
Bộ trưởng lưu ý các đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT (đặc biệt là các Cục: Báo chí; Phát thanh, Truyền hình & Thông tin điện tử; An toàn thông tin, Tin học hóa, Viễn thông) cần tập trung nguồn lực, cơ sở hạ tầng, giải pháp kỹ thuật làm sạch không gian mạng để bảo vệ Đại hội Đảng các cấp thành công, đây là nhiệm vụ lớn của Bộ từ nay đến cuối năm.
 
Giám đốc Sở TT&TT các địa phương chịu trách nhiệm về an toàn không gian mạng và báo chí địa phương mình; theo dõi, đánh giá sự tăng - giảm đột biến thông tin xấu độc tại địa phương mình để đấu tranh, xử lý nhằm đảm bảo không gian mạng sạch sẽ; lấy thống tin tích cực để lùi thông tin tiêu cực.../.
 
Theo Mic.gov.vn
 
 

 


Nguồn:stttt.daknong.gov.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 4
Hôm nay : 698
Năm 2024 : 8.576
Tổng số : 2.611.964
Liên kết website