A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý I/2021 của Bộ TT&TT

Xác định năm 2021 là năm đầu tiên trong giai đoạn phát triển lịch sử của quá trình đưa Việt Nam chúng ta sẽ trở thành một nước hùng cường, thịnh vượng: năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm góp phần đưa đất nước thoát khỏi thu nhập trung bình thấp; năm đầu tiên của chiến lược 10 năm để đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao; năm đầu tiên của khát vọng 25 năm để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: ngành TT&TT có sứ mệnh dẫn dắt đất nước đạt được mục tiêu ấy.

Bên cạnh đó, năm 2021 đối với ngành TT&TT cũng là năm đầu thực hiện các Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) với mục tiêu dẫn dắt quốc gia, dẫn dắt dân tộc, dẫn dắt Ngành phát triển. Đó là những nội dung trọng tâm được đưa ra tại Hội nghị giao ban QLNN Quý I/2021 với các đối tượng quản lý (Tổ chức, Hội/Hiệp hội, Doanh nghiệp) của Bộ TT&TT vừa diễn ra ngày 19/4/2021.

Bo-truong-phat-bieu-n_1.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Chiến lược phải xuất sắc để dẫn dắt, có tầm nhìn và giải pháp đột phá

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2021 là năm đầu mà ngành TT&TT triển khai các chiến lược quốc gia, như: chiến lược hạ tầng số (HTS), chiến lược hạ tầng Bưu chính, chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số (CNS), chiến lược chính phủ số (CPS), chiến lược kinh tế số (KTS) và xã hội số (XHS), chiến lược an toàn không gian mạng quốc gia, chiến lược chuyển đổi số báo chí; các chiến lược này cơ bản sẽ được ban hành trong năm 2021. Bộ trưởng khẳng định: chiến lược phải dẫn dắt quốc gia, dẫn dắt dân tộc, dẫn dắt ngành; và Bộ trưởng chính thức cam kết: đã là chiến lược là phải xuất sắc và nếu không xuất sắc, không có tính dẫn dắt, không có tầm nhìn, không có giải pháp đột phá thì sẽ không ban bố;

Trọng tâm cụ thể các chiến lược của Bộ TT&TT bao gồm:

a.Chiến lược hạ tầng số: trọng tâm là 5G và cloud, là công nghệ và hạ tầng được cung cấp dưới dạng dịch vụ, là một số platform thiết yếu, là mỗi người dân một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình có một đường truyền internet cáp quang và HTS Việt Nam phải ở top 30 thế giới trước năm 2025. Tức là chúng ta sẽ trở thành một quốc gia có HTS phát triển trước khi đất nước trở thành một nước phát triển 20 năm, đi trước sự phát triển của nền kinh tế 20 năm. Bởi vì đó là hạ tầng dẫn dắt các lĩnh vực khác. Sự chung tay hợp tác và dùng chung hạ tầng của các doanh nghiệp HTS là quan trọng, nhất là trong triển khai 5G thông qua roaming trong nước. Hiện ngành TT&TT có 4 doanh nghiệp hạ tầng, mỗi doanh nghiệp chia nhau phủ sóng 5G 15 tỉnh, thành thì đến năm 2022 chúng ta sẽ có một mạng 5G toàn quốc. Hạ tầng phải đi trước và đi nhanh, HTS là hạ tầng của kinh tế số nên Việt Nam cơ bản phải làm chủ được thiết bị hạ tầng. Xây dựng hạ tầng số được coi là đổi mới lần 2 của lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông.

b.Chiến lược hạ tầng Bưu chính: trọng tâm là hạ tầng chuyển phát đến từng hộ gia đình, là nền tảng địa chỉ số VPostCode, là các sàn giao dịch thương mại điện tử cho các hộ nông dân, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh, là số hóa toàn bộ hoạt động kinh doanh và dịch vụ bưu chính. Hạ tầng bưu chính đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu nhưng trọng tâm là đến hộ gia đình.

c. Chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số: trọng tâm là tinh thần Make in Viet Nam, là chuyển đổi Việt Nam thành quốc gia số, là giải các bài toán Việt Nam bằng công nghệ, là phát triển các nền tảng CĐS, là làm chủ công nghệ qua việc đẩy mạnh ứng dụng và từ cái nôi Việt Nam để đi ra toàn cầu. Bộ TT&TT định hướng phát triển 100 nghìn doanh nghiệp CNS vào năm 2025.

d. Chiến lược Chính phủ số: với trọng tâm là chuyển mọi hoạt động của Chính phủ lên môi trường số và sau đó là thay đổi cách vận hành của Chính phủ dựa trên dữ liệu và CNS, tương tác với người dân, doanh nghiệp, dùng công nghệ để giải các bài toán thiên niên kỷ. CPS là giải pháp đột phá để thay đổi cách vận hành của Chính phủ và CPS sẽ dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia.

e. Chiến lược Kinh tế số: trọng tâm là tăng trưởng của kinh tế số từ 20% đến 25% một năm, tức là gấp 3 lần tăng trưởng GDP cả nước. Đặt mục tiêu hướng tới kinh tế số năm 2025 chiếm 20% GDP cả nước và trên 30% vào năm 2030.

f. Chiến lược Xã hội số: với trọng tâm là thúc đẩy người dân sử dụng các nền tảng số trong công việc và cuộc sống hàng ngày, là nâng cao kỹ năng số, kỹ năng an toàn thông tin cho người dân.

g. Chiến lược An toàn không gian mạng quốc gia: trọng tâm là phát triển hệ sinh thái các sản phẩm an toàn an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Việt Nam phải trở thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng.

h. Chiến lược chuyển đổi số Báo chí: trọng tâm là đưa sản xuất nội dung và phân phối nội dung lên môi trường số, là đổi mới cách làm nội dung, đổi mới nguồn thu báo chí để không chỉ dựa vào quảng cáo; và CĐS báo chí là phải làm chủ nền tảng phân phối nội dung trên không gian mạng.

Bộ trưởng cho biết, nếu có một từ chung để chỉ tất cả các chiến lược trên, đó chính là CĐS; Trọng tâm của toàn ngành TT&TT trong 5 năm, 10 năm và dài hơn nữa cũng là CĐS và Bộ TT&TT cũng đang đề xuất với Chính phủ cho phép đổi tên Bộ để phản ánh đúng chức năng nhiệm vụ của Bộ trong tình hình mới.

Toan-canh-n_1.jpg

Toàn cảnh Hội nghị

Việt Nam phải đi đầu trong chuyển đổi số

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra một số cách tiếp cận, giải pháp đột phá, cách làm mới để thực hiện các chiến lược, trong đó:

1. Về quan điểm chỉ đạo: Việt Nam phải đi đầu về ICT, về CNS. Bộ TT&TT phải tập trung vào thể chế, tầm nhìn, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; Rà soát và sửa đổi thể chế để giải bài toàn chồng chéo, mâu thuẫn và loại bỏ sự cản trở phát triển. Làm việc phải có trọng tâm, trọng điểm, dứt điểm từng việc một, giải quyết triệt để các việc tồn đọng kéo dài; Kiểm tra, giám sát thì chuyển dịch thành giám sát, kiểm tra nhất là online và Thanh tra Bộ TT&TT sẽ đi đầu đất nước VN về thanh tra trên môi trường online để giảm đi tiếp xúc và gây phiền hà cho doanh nghiệp. Xây dựng chính phủ số, chính quyền số để dẫn dắt CĐS quốc gia thuộc về trách nhiệm làm gương của người đứng đầu.

Khẩu hiện hành động của Bộ TT&TT năm 2021 tiếp tục là “Làm gương – Kỷ cương – Trọng tâm – Bứt phá”. Trong đó người đứng đầu phải làm gương, phải có năng lực dẫn dắt, tháo gỡ khó khăn; Nhân viên thì kỷ cương, làm việc có kỷ luật và thực hiện nghiêm yêu cầu công vụ; Trọng tâm là trong nhiều việc thì chọn đúng việc trọng tâm, là việc nếu giải quyết được thì các việc khác sẽ tự giải quyết được. Trọng tâm là 20% nhưng quyết định 80%, nên chúng ta phải tìm ra trọng tâm và chỉ đạo quyết liệt 20% đó; Bứt phá là đặt ra khát vọng lớn, mục tiêu cao, cách tiếp cận và lời giải độc đáo. Độc đáo để biến việc khó thành việc dễ.

Thu-truong-Phan-Tam-phat-bieu-n.jpg

Thứ trưởng Phan Tâm trình bày tham luận Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030

2.Lĩnh vực ICT, công nghệ số, chuyển đổi số thì đi đầu ngay từ đầu, đi cùng nhịp thậm chí đi trước các nước khác.

3. Lấy thị trường trong nước để nuôi dưỡng và phát triển công nghệ và doanh nghiệp công nghệ. Thị trường chính là tài sản lớn nhất của quốc gia. Phải giải bài toán Việt Nam trước và đây là cái nôi để đi ra toàn cầu. Chúng ta phải giải được bài toán Việt Nam thì chúng ta mới phát triển được.

4. Thay đổi thể chế để chấp nhận cái mới, đẩy mạnh ứng dụng cái mới để thu hút công nghệ mới, nhân tài và đầu tư làm thị trường cho phát triển công nghệ mới. Đặc biệt, sẽ hình thành đặc khu đổi mới sáng tạo trên không gian mạng. Chúng ta coi đổi mới thể chế chấp nhận cái mới là tạo ra thị trường và thị trường là thỏi nam châm tốt nhất để doanh nghiệp hoàn thiện công nghệ.

5.Dùng nền tảng (platform) là giải pháp để đẩy nhanh chuyển đổi số, giảm chi phí, hạ giá thành. Platform là một loại hạ tầng mới gọi là hạ tầng nền. Trong năm 2021 này, Bộ TT&TT sẽ công bố chính thức những platform nào là hạ tầng của Việt Nam trong CĐS. Đây chính là những “mỏ dầu” của chúng ta.

6.Thị trường mạnh phải đi đôi với nhà nước mạnh. Thị trường mạnh ở ngắn hạn, còn nhà nước mạnh ở dài hạn, ở nhìn xa trông rộng, ở vạch ra tầm nhìn và dẫn dắt. Bộ TT&TT sẽ đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ điều phối ngân sách cho khoa học công nghệ phải dành nhiều hơn cho các nghiên cứu công nghệ nền tảng, các nghiên cứu mang tính dài hơi.

7.Nhà nước thúc đẩy chuyển đổi số thông qua việc dành ngân sách ít nhất 1% cho chuyển đổi số và mua sắm chính phủ thì ưu tiên cho các sản phẩm công nghệ số.

8.Đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số chủ yếu thông qua các trường đại học số. Bộ TT&TT sẽ xin thí điểm đại học số trong các trường thông qua các nền tảng trực tuyến để đào tạo nâng cao, đào tạo lại và đào tạo cả đời.

Thu-truong-Nguyen-Huy-Dung-phat-bieu-n.jpg

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng trình bày tham luận Chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Bộ TT&TT đặt hàng các bài toán lớn của Ngành:

Bộ trưởng nhấn mạnh, từ 2021 trở đi Bộ TT&TT sẽ công bố những bài toán lớn ra xã hội nhằm kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp chung tay, góp sức cùng đưa ra lời giải. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra một số bài toán để các đơn vị, doanh nghiệp trong Ngành quan tâm tìm ra giải pháp. Đó là:

Thứ nhất, xây dựng mạng xã hội (MXH) thế hệ mới: từ mô hình tập trung dữ liệu sang phân tán, tiến tới người sử dụng làm chủ dữ liệu của mình thay vì tất cả dữ liệu người dùng thuộc về nhà mạng. MXH có quy mô nhỏ hơn, định hướng khách hàng hơn, thậm chí có thu phí; Nền tảng giải quyết một nhu cầu xã hội rồi sau đó thành MXH. MXH âm thanh, giao tiếp bằng giọng nói; MXH đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng; MXH doanh nghiệp phục vụ truyền thông nội bộ; công khai thuật toán; MXH là hạ tầng xã hội nên phải sạch, có trách nhiệm với người dùng và với xã hội; MXH là nền tảng nên phải chia sẻ giá trị với người dùng…Đây là những tính năng, đặc điểm mới của MXH thay thế cho thế hệ thứ nhất. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển MXH thế hệ mới.

Thứ hai, công cụ tìm kiếm thế hệ mới: hướng đến hỏi một câu sẽ có một câu trả lời đáng tin cậy, có thể sử dụng được thay vì hỏi một câu lại có đến hàng triệu câu trả lời mà không biết độ tin cậy. Bên cạnh đó, có hiện tượng ai trả phí quảng cáo cao thì câu trả lời hiện lên trước, vậy là tri thức đã bị tha hóa bởi đồng tiền. Hướng đến giao tiếp với công cụ tìm kiếm qua giọng nói sẽ thân thiện, gần gũi hơn đối với người dùng.

Thứ ba, hướng đến xây dựng bảo tàng cá nhân trên môi trường số và tiến tới phiên bản con người số bất tử có thể tương tác với người sống.

Danh sách các nền tảng CĐS cho các ngành, các lĩnh vực sẽ được Bộ TT&TT công bố trong quý II/2021.

Khẳng định TT&TT sẽ là Ngành tiên phong dẫn dắt công cuộc CĐS quốc gia, dùng công nghệ để giải các bài toán của đất nước nhằm hiện thực hóa khát vọng hùng cường của dân tộc, Bộ trưởng nhấn mạnh: Ngành TT&TT sẽ phát triển trên đôi cánh của sức mạnh tinh thần và công nghệ. Trong đó, báo chí truyền thông là tạo nên khát vọng tinh thần và phần còn lại là do công nghệ, mà chủ yếu là công nghệ số. Từ đôi cánh ấy sẽ góp phần đưa Việt Nam bay lên, đạt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 khi đất nước tròn 100 năm thành lập./.

Theo Mic.gov.vn


Nguồn:stttt.daknong.gov.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 752
Năm 2024 : 10.797
Tổng số : 2.614.185
Liên kết website