A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước tháng 1/2022

Sáng 10/02/2022, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước tháng 01/2022. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT kiêm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có các đồng chí Thứ trưởng cùng đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chuyên môn thuộc Bộ. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 11 điểm cầu và một số thiết bị cá nhân.

20220210-ta2.jpg

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: Tổng diễn tập chuyển đổi số năm 2021 đã đi qua, năm 2022 là năm tổng tiến công chuyển đổi số. Trong vai trò dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT cần phải đi đầu về chuyển đổi số trong nội bộ, làm kiểu mẫu về chuyển đổi số, đưa toàn bộ công việc lên môi trường số để cán bộ đỡ vất vả. Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chỉ đạo xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của Bộ TT&TT, trình Bộ trưởng trong tháng 02/2022.

Bộ trưởng cho biết, trong năm 2022, đầu tư về chuyển đổi số tại các Bộ, ngành, địa phương sẽ được đẩy mạnh và tập trung hơn. Do vậy, Bộ cần có biện pháp bảo vệ đầu tư chuyển đổi số để không xảy ra tai nạn. Cụ thể, cần khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai, các tiêu chí đánh giá dự án chuyển đổi số và thành lập các Tổ hậu kiểm, giám sát nhằm hỗ trợ hoạt động đầu tư chuyển đổi số tại các Bộ ngành, địa phương, bảo đảm hiệu quả, thực sự mang lại giá trị có thể định lượng, đo đếm được.
 
20220210-ta1.jpg
 
Toàn cảnh Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước  tháng 1/2022

Theo Bộ trưởng, chuyển đổi số là cuộc cách mạng toàn dân và toàn diện. Do đó, các hoạt động, lĩnh vực của Bộ phải tập trung phục vụ người dân, lấy dân làm gốc. "Hãy bắt đầu bằng việc cung cấp cẩm nang hành động, phổ biến tri thức về các nền tảng số phục vụ người dân. Khó nhất là để dân theo nhưng cũng là dễ nhất. Bởi vì, nếu có lợi là họ sẽ theo. Đa số các nền tảng số mà chúng ta đặt mục tiêu năm 2022 này đều là để mang lại lợi ích cho người dân".

Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị tiếp cận vấn đề này theo hướng mới, mỗi lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ nên có cho mình cẩm nang phổ biến tri thức cho người dân dễ hiểu, dễ làm, dễ thực thi và coi đây là công cụ quản lý nhà nước hiệu quả. Như vậy sẽ biến cái trừu tượng, mơ hồ thành một việc dễ làm, có thể làm ngay, không phải đầu tư, thay đổi hình thức, vì dân sẽ đi trước chính quyền về chuyển đổi số, chính quyền sẽ thể chế hoá những gì đã đúng để thúc đẩy và phát triển chuyển đổi số.

20220210-ta3.jpg

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Bộ trưởng chỉ đạo: Bước vào năm mới 2022, chúng ta cần phát huy thế mạnh của năm trước, đổi mới cách làm việc để công việc đạt hiệu quả cao nhất. Theo đó, các đơn vị lập kế hoạch công tác theo tuần, thông qua Thứ trưởng phụ trách trình Bộ trưởng ký trước ngày 20/2/2022. Văn phòng Bộ căn cứ theo kế hoạch để đôn đốc các đơn vị thực hiện đúng tiến độ. Các trưởng đơn vị giao việc cho phòng và các bộ phận chuyên môn bằng văn bản, có mốc thời gian cụ thể. Có như vậy, chúng ta mới tận dụng được tối đa thời gian cho công việc, đồng thời nhìn thấy sự tiến triển cũng như khó khăn để lãnh đạo phía trên kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ ngay.

Cuối cùng, Bộ trưởng lưu ý, việc quan trọng cần làm ngay là tập trung kiện toàn nhân sự cho công tác Đảng của Bộ và các đơn vị trong tháng 02/2022. Muốn Bộ phát triển bền vững thì phải làm tốt công tác Đảng. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị ủng hộ và thực hiện nghiêm túc việc ưu tiên điều động nhân sự, củng cố công tác Đảng vững mạnh.

Tổng quan một số lĩnh vực ngành TT&TT tháng 01/2022

1. Bưu chính: Tháng 01/2022 là tháng cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán, doanh thu, sản lượng của lĩnh vực tăng trưởng khoảng 30% so với cùng kỳ 2021.

2. Viễn thông, đến hết tháng 01/2022, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 11,496 nghìn tỷ, tăng 3% so với cùng kỳ 2021.

- Số thuê bao điện thoại smartphone đạt 91,32 triệu (chiếm 72,6% số thuê bao điện thoại di động), tăng 1,01% so với cùng kỳ 2021.

- Số thuê bao băng rộng cố định hộ gia đình là 18,66 triệu, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước chiếm 68% hộ gia đình.

3. Ứng dụng Công nghệ thông tin: Tính đến ngày 20/01/2022, tỷ lệ DVCTT đủ điều kiện đưa lên mức độ 4 là 96,74%.

- 63/63 địa phương hoàn thành kết nối thử nghiệm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác dịch vụ xác thực thông tin công dân phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

- 54/63 tỉnh, thành phố xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử, phiên bản 2.0.

- 54/63 tỉnh, thành phố xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT 5 năm giai đoạn 2021-2025.

- 52/63 tỉnh, thành phố xây dựng ban hành Chương trình/Kế hoạch chuyển đổi số.

4. An toàn thông tin mạng: Trong tháng 01/2022, đã ghi nhận và hướng dẫn khắc phục 1.383 sự cố tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam (197 cuộc Phishing, 125 cuộc Deface, 1.061 cuộc Malware), tăng 10,29% so với tháng 12/2021.

- Số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet là 879.342 địa chỉ, giảm 9,29% so với tháng 12/2021.

- Tổng Số chứng thư số công cộng đã cấp tháng 01/2022 là 4.581.000, tăng 14,1% % so với cùng kỳ năm 2021 (4.014.701).

- Tổng số chứng thư số công cộng đang hoạt động tháng 01/2022: 1.690.000 chứng thư số, tăng 7,03 % so với cùng kỳ năm 2021 (1.578.959).

5. Công nghiệp ICT: Trong tháng 01/2022, tổng doanh thu công nghiệp ICT ước đạt 222.762 tỷ đồng (~ 9,6 tỷ USD) giảm khoảng 23% so với cùng kỳ 2021.

6. Báo chí, truyền thông:

- Tổng số cơ quan báo chí là 816, trong đó: 114 Báo thực hiện hai loại hình, 116 Tạp chí thực hiện hai loại hình; 557 Báo và Tạp chí in, 29 Báo và Tạp chí điện tử.

- Số lượng thuê bao truyền hình trả tiền đạt 16,4 triệu thuê bao, tăng 1,2% so với cùng kỳ 2021 (16,2 triệu).

- Số lượng Mạng xã hội Việt Nam được cấp phép đạt 854, tăng 12% so với cùng kỳ 2021; số lượng tài khoản người dùng các trang mạng xã hội Việt Nam đạt 97 triệu, tăng 6,6% so với cùng kỳ 2021.

- Cả nước có: 9.792 đài truyền thanh cấp xã/10.599 xã, phường, thị trấn. Trong đó, có 634 đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT, tăng 06 đài so với tháng 12/2021.

Theo mic.gov.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 790
Năm 2024 : 8.560
Tổng số : 2.611.948
Liên kết website