A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thông cáo báo chí: Chính phủ ban hành Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng

Ngày 09/11/2024, Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP) đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Nghị định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Nghị định 147/2024/NĐ-CP ngày 09/11/2024 (Nghị định) được xây dựng hướng tới mục tiêu khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn sau hơn 10 năm thi hành Nghị định 72/2013/NĐ-CP, phù hợp với xu thế phát triển hội nhập công nghệ số, nội dung số và các dịch vụ Internet và kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị định 72/2013/NĐ-CP. Ngoài ra, Nghị định còn có các mục đích khác như:

- Đơn giản hóa các thủ tục hành chính, trực tuyến hóa thủ tục cho doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp thực hiện các thủ tục hành chính.

- Tạo điều kiện cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước phát triển lành mạnh và cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.

- Tăng cường bảo đảm an ninh thông tin và chế tài xử lý tranh chấp tên miền, xử lý vi phạm trong lĩnh vực tên miền phù hợp thông lệ quốc tế và các quy định pháp luật có liên quan.

Để đạt được những mục tiêu trên, Nghị định 147/2024/NĐ-CP có những chính sách mới nhằm điều chỉnh hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, bao gồm: Dịch vụ Internet, tài nguyên Internet; Thông tin trên mạng; Cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động; Giám sát thông tin và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng.

1. Quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng theo nguyên tắc “các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tham gia quản lý ngành, lĩnh vực trên mạng”.

2. Về quản lý hoạt động cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam

- Bổ sung các quy định về chặn gỡ nội dung, dịch vụ vi phạm trong vòng 24 giờ, chặn gỡ kịp thời với nội dung, dịch vụ vi phạm an ninh quốc gia; khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn tài khoản, trang, nhóm, kênh MXH thường xuyên vi phạm; xác thực và định danh tài khoản của người dùng bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân, bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, đồng thời cung cấp thông tin người sử dụng vi phạm cho cơ quan quản lý nhà nước khi có yêu cầu; yêu cầu chủ trang, kênh, nhóm mạng xã hội chịu trách nhiệm quản lý nội dung đăng tải và bình luận trong trang nhóm; mạng xã hội có trách nhiệm cấp xác thực (tick xanh) cho các tài khoản, trang, kênh của các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, người có ảnh hưởng tại Việt Nam…; kiểm tra, giám sát và loại bỏ thông tin, dịch vụ, ứng dụng vi phạm quy định pháp luật; trẻ em (dưới 16 tuổi) không được tạo tài khoản mạng xã hội; mạng xã hội phải thỏa thuận với cơ quan báo chí khi dẫn nội dung trên mạng xã hội; cung cấp công cụ tìm kiếm theo yêu cầu của Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Công an; công khai thuật toán phân phối nội dung với người sử dụng…

Các quy định này áp dụng chung cho các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước

- Quy định các trang TTĐT của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới (có hosting tại Việt Nam hoặc có truy cập từ 100.000 lượt trở lên) phải thực hiện thủ tục thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông và tuân thủ quy định nêu trên.

3. Một số quy định về quản lý trang TTĐT và MXH trong nước

3.1. Quy định về cấp phép hoạt động:

Các MXH đã được cấp phép mới được cung cấp livestream/các hoạt động phát sinh doanh thu; tuy nhiên các MXH có lượng truy cập thấp có thể đề nghị cấp phép theo quy định để cung cấp các dịch vụ này.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ gắn công cụ để quản lý thông tin Trang tin ĐTTH và đo lượng truy cập Mạng xã hội đã thông báo/cấp phép.

Ngoài ra, Bộ sẽ thống kê và có văn bản thông báo cho các MXH đạt mức lượng truy cập lớn thực hiện thủ tục cấp phép MXH theo quy định tại NĐ này.

Các trang tin ĐTTH và MXH sẽ được cơ quan cấp phép gửi cho đoạn mã biểu tương nhận diện đã cấp phép để gắn trên website/ứng dụng trên các kho ứng dụng và liên kết đến dữ liệu cấp phép của cơ quan cấp phép.

Nền tảng số đa dịch vụ khi hoạt động MXH hay các dịch vụ chuyên ngành khác thì tuân thủ quy định tại NĐ này về quản lý MXH và quy định pháp luật chuyên ngành.

3.2. Quy định để hạn chế tình trạng “báo hóa” trang TTĐT tổng hợp, mạng xã hội

Trang TTĐT tổng hợp chỉ được đăng phát chậm hơn 01 giờ so với tin gốc; lấy nguồn tin từ ít nhất 3 cơ quan báo chí; Trang TTĐT tổng hợp có liên kết với báo điện tử chỉ được sản xuất về một số lĩnh vực nhất định; Báo điện tử phải chịu trách nhiệm nội dung liên kết; tỷ lệ tin bài liên kết không quá 50% tổng số tin, bài của cơ quan báo chí trong 01 tháng; không sử dụng tên miền, tên trang gây nhầm lẫn báo chí; không được cho người dùng bình luận về các tin bài trên trang TTĐT tổng hợp; mạng xã hội không được sắp xếp bài viết của thành viên thành các chuyên mục cố định; không đăng tải, viết bài dưới hình thức phóng sự, điều tra, phỏng vấn và đăng tải lên mạng xã hội; đối với tổ chức, doanh nghiệp không phải là cơ quan báo chí, dãy ký tự tạo nên tên miền không được giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí, không sử dụng những từ ngữ thể gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí.

3.3. Về trách nhiệm của người sử dụng

- Được bảo vệ thông tin theo quy định của pháp luật; Chịu trách nhiệm về nội dung do mình cung cấp, lưu trữ, truyền đưa, chia sẻ trên mạng; Tuân thủ quy định pháp luật chuyên ngành khi cung cấp dịch vụ chuyên ngành trên MXH; tuân thủ quy định về thuế và thanh toán khi có hoạt động kinh doanh, phát sinh doanh thu;

- Các chủ kênh/tài khoản/nhóm cộng đồng/trang cộng đồng (fanpage) trên các mạng xã hội tại Việt Nam có quyền và trách nhiệm: Được quyền đăng ký để tham gia các khóa tập huấn, phổ biến quy định pháp luật của Bộ TT&TT và được khuyến nghị lựa chọn quảng cáo. Quản lý nội dung đăng tải trên kênh, tài khoản của mình (bao gồm cả nội dung bình luận của người sử dụng).  Không đặt tên kênh/tài khoản/nhóm cộng đồng/trang cộng đồng giống hoặc trùng với cơ quan báo chí hoặc gây nhầm lẫn cơ quan báo chí.trách nhiệm tạm khóa, gỡ bỏ thông tin vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân khác chậm nhất 48 giờ khi có yêu cầu từ người sử dụng mạng xã hội hoặc chậm nhất không quá 24 giờ khi nhận được yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; Không lợi dụng để sản xuất nội dung dưới hình thức phóng sự, điều tra, phỏng vấn báo chí; Khi livestream phải tuân thủ quy định tại Nghị định này và quy định chuyên ngành.

- Cơ quan báo chí khi thiết lập kênh nội dung /tài khoản/nhóm cộng đồng/trang cộng đồng (fanpage) phải: Thông báo cho Bộ TT&TT trong vòng 10 ngày. Chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp theo quy đinh của Luật Báo chí  và tuân thủ đún tôn chỉ mục đích trong Giấy phép đã được cấp.

3.4. Chế tài xử lý:

- Đình chỉ hoạt động 3 tháng các trường hợp sau: Các trang tin ĐTTH/MXH vi phạm nội dung 2 lần; Không tuân thủ trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ và không đáp ứng các điều kiện hoạt động theo quy định; Không thực hiện thủ tục đề nghị cấp phép MXH trong vòng 60 ngày kể từ ngày Bộ TT&TT có văn bản thông báo.

- Thu hồi giấy phép các trường hợp: Không thực hiện chặn gỡ nội dung theo yêu cầu của CQQL; Không có các biện pháp khắc phục sau thời gian bị đình chỉ 3 tháng; Tổ chức, doanh nghiệp có văn bản thông báo dừng hoạt động/không triển khai cung cấp dịch vụ sau thời hạn 12 tháng.

- Thực hiện các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn trong các trường hợp: Không thực hiện chặn gỡ nội dung theo yêu cầu Bộ TT&TT; Cơ quan QLNN không thể liên hệ được để yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm pháp luật; Không thực hiện việc dừng hoặc chấm dứt hoạt động theo yêu cầu của Cơ quan QLNN.

4. Đối với hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng

- Điều chỉnh, cắt giảm bớt các điều kiện, thủ tục không cần thiết và giảm thời gian thẩm định, cấp phép, cấp  đối với giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng;

- Phân cấp cho Sở Thông tin và Truyền thông cấp Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ game G2, G3, G4 trên mạng và Giấy xác nhận phát hành trò chơi G2, G3, G4 trên mạng.

- Bổ sung quy định không cấp phép đối game mô phỏng như trong casino, game sử dụng hình ảnh lá bài nhằm hạn chế tác động tiêu cực tới người chơi.

- Yêu cầu xác thực người chơi bằng số điện thoại di động tại Việt Nam, bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được tham gia chơi trò chơi.

- Các quy định bảo vệ trẻ em khi chơi game: Người chơi dưới 16 tuổi khi đăng ký chơi game thì cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự đăng ký tài khoản bằng thông tin của cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự và có trách nhiệm giám sát và quản lý thời gian chơi, nội dung trò chơi của người chơi dưới 16 tuổi truy cập; DN game, DN cho thuê máy chủ, chỗ đặt máy chủ, DN viễn thông, DN Internet phải phối hợp triển khai giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em, người dưới 18 tuổi; Người chơi dưới 18 tuổi chỉ được chơi 01 game không quá 60 phút và tổng thời gian chơi trong ngày không quá 180 phút.

- Bổ sung quy định phòng chống game lậu, game XBG: Dán nhãn các game đã được cấp phép; Các kho ứng dụng XBG phải chặn, hạ các game chưa được dán nhãn; tuân thủ các quy định của pháp luật về thanh toán của Việt Nam; Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng cho người sử dụng tại Việt Nam, gồm cả việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, phải thành lập DN theo quy định của pháp luật Việt Nam.

- Bổ sung quy định về quản lý và phát hành thẻ game: Chỉ sử dụng thẻ game để cho phép người chơi nạp tiền vào các trò chơi điện tử trên mạng hợp pháp của chính DN đó hoặc của các DN khác trong một tập đoàn kinh tế, nhóm công ty, công ty mẹ, công ty con của DN đó; không sử dụng thẻ game để nạp tiền vào các trò chơi điện tử trên mạng không phép hoặc vào mục đích khác.

5. Đối với hoạt động quản lý cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động

- Thống nhất 01 đầu mối là Cục Viễn thông (trước là Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử) quản lý và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động;

- Đưa các quy định về quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động từ Thông tư lên Nghị định và bổ sung, điều chỉnh quy định về cấp/thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động;

- Bổ sung một số trách nhiệm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung, doanh nghiệp viễn thông nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng.

6. Quy định nhằm tăng cường giám sát thông tin và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng

- Quy định về hạn chế tình trạng người dùng ẩn danh để lừa đảo, tung tin giả và các hành vi vi phạm pháp luật khác: Người dùng mạng xã hội phải cung cấp thông tin cá nhân cơ bản: Họ tên, ngày sinh, số điện thoại di động tại VN/ID (nếu không có số điện thoại); Mạng xã hội phải thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân đã đăng ký; Chỉ các tài khoản mạng xã hội đã được xác thực mới được cung cấp thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội; Các tài khoản mạng xã hội thực hiện livestream với mục đích thương mại (bán hàng, có phát sinh doanh thu) thì phải xác thực bằng số định danh cá nhân.

- Quy định về bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội: Người dùng trên 16 tuổi mới được tạo tài khoản mạng xã hội để sử dụng; Trường hợp trẻ em (dưới 16 tuổi) muốn sử dụng mạng xã hội phải được sự cho phép và giám sát của cha mẹ, người giám hộ hợp pháp; Phân loại và cảnh báo các nội dung không phù hợp với trẻ em; Thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em theo quy định về bảo vệ trẻ em.

- Quy định về chế tài xử lý: Quy định cụ thể hơn các trường hợp bị đình chỉ hoạt động 3 tháng/rút giấy phép/ đình chỉ hoạt động: Các trang thông tin điện tử tổng hợp nói chung vi phạm nội dung 2 lần; Không đảm bảo các điều kiện hoạt động theo quy định; Không thực hiện chặn gỡ nội dung website/ mạng xã hội theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an.

7. Bổ sung trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ Internet, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông trong việc: Triển khai các biện pháp giám sát, phát hiện thông tin vi phạm pháp luật; cung cấp thông tin thuê bao có dấu hiệu vi phạm pháp luật; ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật khi có yêu cầu; tham gia giao kết hợp đồng sử dụng dịch vụ Internet với các tổ chức, cá nhân; bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ Internet đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an.

8. Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, tài nguyên Internet

Nghị định đã bổ sung các quy định hướng dẫn chi tiết một số quy định về quản lý tài nguyên Internet tại Luật Viễn thông sửa đổi 2023 bao gồm các quy định về quản lý tài nguyên Internet (quy hoạch, phân bổ, cấp, đăng ký, sử dụng thu hồi quyền sử dụng, hoàn trả tài nguyên Internet; giải quyết tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”); dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền; trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX.

Nghị định 147/2024/NĐ-CP ngày 09/11/2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2024. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức các hội nghị để phổ biến, quán triệt các nội dung của Nghị định 147/2024/NĐ-CP để việc thực thi Nghị định mới được hiệu quả, sớm đi vào thực tiễn cuộc sống.


Tập tin đính kèm
Tác giả: TTBCXB
Nguồn:https://daknong.gov.vn/ Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 714
Năm 2024 : 57.830
Tổng số : 2.661.218
Liên kết website