A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thông cáo báo chí về Các hoạt động và Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Đắk Nông

Tỉnh Đắk Nông chính thức được tái lập vào ngày 01/01/2004 theo Nghị quyết số 22/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội khóa XI. Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, với sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của các cấp chính quyền tỉnh với nhiều cách làm sáng tạo và quyết liệt đã giúp tỉnh Đắk Nông đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và chất lượng đời sống Nhân dân, thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, chưa phát triển.

Để đánh dấu 20 năm tái lập tỉnh, Tỉnh ủy-HĐND-UBND-UBMTTQVN tỉnh Đắk Nông tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh. Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh cung cấp thông tin về những thành tựu đạt được và hoạt động Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh, cụ thể như sau:

I. THÀNH TỰU SAU 20 NĂM TÁI LẬP TỈNH ĐẮK NÔNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Thành tựu sau 20 năm tái lập tỉnh

Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, tỉnh Đắk Nông đã đạt được những kết quả ấn tượng.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP giá so sánh năm 2010) ước đến cuối năm 2023 đạt trên 23.889 tỷ đồng, gấp 12 lần so với năm 2004; thu nhập bình quân đầu người hiện đạt trên 60 triệu đồng, gấp 12 lần so với năm 2004. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2023 ước đạt 18.668 tỷ đồng, gấp 20 lần năm 2004([1]); tổng thu ngân sách giai đoạn 2004 - 2023 khoảng 31.879 tỷ đồng, riêng năm 2023 ước thu đạt 3.150 tỷ đồng, cao gấp 15,2 lần năm 2004.

Trên lĩnh vực công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2004-2023 ước đạt khoảng 116.073 tỷ đồng; trong đó, năm 2023 ước đạt 14.199 tỷ đồng, tăng hơn 30 lần so với năm 2004([2]) và tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn là 19,7%/năm. Công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chính cho tăng trưởng và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh với trên 50% tổng giá trị sản xuất. Hiệu quả hoạt động của Nhà máy Alumin Nhân Cơ và việc thu hút đầu tư nhà máy luyện kim tại Khu công nghiệp Nhân Cơ đang từng bước đưa tỉnh Đắk Nông tiến tới mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp bôxít - nhôm và sau nhôm của quốc gia. Ngành công nghiệp chế biến các mặt hàng nông sản tỉnh có lợi thế như: cà phê, hạt điều, cao su, ván MDF… được hình thành; công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp điện phát triển với nhiều dự án trọng điểm đã và đang triển khai([3]).  

Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản (giá hiện hành) tăng mạnh, từ hơn 2.400 tỷ đồng năm 2004 lên hơn 34.300 tỷ đồng năm 2022, tương đương tăng gấp 14 lần. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch đúng định hướng, giảm về tỷ trọng, tăng về giá trị. Diện tích gieo trồng các loại cây trồng chủ yếu dự kiến năm 2024 ước đạt 320.200 ha, tăng 157.234 ha so với năm 2004, tương đương tăng gấp 02 lần. Giá trị sản xuất trên 01 ha đất sản xuất nông nghiệp năm 2023 đạt 103 triệu đồng, tăng 90 triệu đồng so với năm 2004.

Về thương mại, dịch vụ, giai đoạn 2004-2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 187.915 tỷ đồng, riêng năm 2023 đạt 24.328,8 tỷ đồng, tăng hơn 21 lần so với năm 2004 và tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm hơn 17,4%/năm. Giai đoạn 2004-2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt gần 12 tỷ USD, trong đó riêng năm 2023 đạt gần 900 triệu USD, tăng 17,7 lần so với năm 2004, thị trường xuất khẩu mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ; Kim ngạch nhập khẩu giai đoạn 2004-2023 dự kiến đạt 2.726 triệu USD, bình quân tăng trên 29%/năm.

Về phát triển du lịch; Đắk Nông đã từng bước hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng trên cơ sở phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên; đặc biệt là khai thác tiềm năng, lợi thế của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông và các giá trị văn hóa bản địa.

Về hạ tầng giao thông: đến nay, mạng lưới giao thông được nâng cấp hoàn thiện, tỷ lệ nhựa hóa đường giao thông toàn tỉnh đạt 70% so với 14% năm 2004. Tuyến cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) hiện đang xem xét chuẩn bị đầu tư([4]) sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho Đắk Nông kết nối với trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Tây Nguyên.

Từ một tỉnh chưa có đô thị loại IV, đến nay tỉnh Đắk Nông đã có 09 đô thị, trong đó có 01 đô thị loại III (thành phố Gia Nghĩa); tỷ lệ đô thị hóa từ 7% năm 2004 đã đạt đến 28% năm 2022. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Dự kiến đến hết quý I năm 2024 sẽ có 40/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 05/40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Thành phố Gia Nghĩa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 02/07 huyện có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá - lịch sử truyền thống được quan tâm, chú trọng, hướng tới mục tiêu mục tiêu phát triển bền vững; xây dựng con người Đắk Nông “văn minh - nhân ái - nghĩa tình” trong cuộc sống.

Giáo dục và đào tạo phát triển toàn diện cả về quy mô số lượng và chất lượng; từ 174 cơ sở giáo dục năm 2004, đến nay đã có 371 cơ sở, tăng 197 cơ sở giáo dục; tổng số trường chuẩn quốc gia là 189 trường, đạt 59,6%. Quy mô học sinh phát triển từ 105.020 học sinh vào năm 2004 đã tăng lên 185.581 học sinh vào năm 2023, trong đó có 60.723 học sinh dân tộc thiểu số, chiếm 32,7% tổng số học sinh toàn tỉnh. Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông theo hướng nhanh và bền vững.

Chất lượng y tế, điều trị và chăm sóc sức khỏe Nhân dân được nâng cao. Đến nay, tổng số giường bệnh đạt 1370 giường, tăng 897 giường so với năm 2004; tổng số nhân lực toàn ngành y tế hơn 2.100 người, tăng 1.271 người so với năm 2004; các chỉ tiêu y tế đạt khá với 20,2 giường bệnh/vạn dân; 8,5 bác sỹ/vạn dân; 92% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Bệnh viện đa khoa tỉnh quy mô 425 giường; đồng bộ đầu tư và đưa vào sử dụng 07 bệnh viện tuyến huyện với 945 giường; 71/71 trạm y tế tuyến xã, trong đó có 68/71 trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Công tác dân tộc, tôn giáo, bảo đảm an sinh và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội được quan tâm, triển khai đồng bộ và hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 33,7% năm 2005 xuống còn 5,18% năm 2023; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm giảm từ 4-5%; riêng năm 2023 giảm 8,14%. Số lượng tín đồ tôn giáo tăng 143.847 tín đồ, số tổ chức tôn giáo cơ sở tăng 139 tổ chức, chức sắc tôn giáo tăng 280 người.

Cơ cấu tổ chức, bộ máy tại các sở, ngành được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cải cách hành chính, thể chế nền hành chính được từng bước đổi mới; thủ tục hành chính được đơn giản hóa; việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa điện tử phát huy hiệu quả, giảm thiểu tối đa hồ sơ sai sót, quá hạn; ứng dụng công nghệ thông tin đã đặt nền tảng cho công cuộc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Chỉ số Cải cách hành chính tỉnh Đắk Nông đã có sự tiến bộ rõ nét, nhất là trong những năm gần đây.

Sau 20 năm tái lập tỉnh, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiềm lực quốc phòng, an ninh tỉnh Đắk Nông luôn được giữ vững và tăng cường. Khu vực phòng thủ tỉnh được xây dựng vững chắc trên cả 3 tiềm lực chính trị tinh thần, kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

2. Định hướng phát triển tỉnh Đắk Nông trong thời gian tới

Trên cơ sở triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025; Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31/12/2023, tỉnh Đắk Nông phấn đấu trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025; đến năm 2030, phấn đấu đưa Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Đắk Nông sẽ tập trung huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát triển đồng bộ các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân; tập trung phát triển 3 trụ cột của nền kinh tế địa phương: (1) Phát triển công nghiệp Alumin, luyện Nhôm và năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp Nhôm quốc gia; (2) Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị; phát triển kinh tế rừng, trồng và chế biến dược liệu; tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; (3) Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. 03 nhóm giải pháp then chốt để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ trên là:

Thứ nhất, Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trước hết là đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới thu hút đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.

Thứ hai, Xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, ưu tiên đầu tư xây dựng, mở rộng hạ tầng giao thông trọng điểm nội tỉnh, kết nối các điểm du lịch và hạ tầng trung tâm đô thị. Thúc đẩy dự án Đường cao tốc Tây Nguyên - thành phố Hồ Chí Minh (đoạn từ thành phố Gia Nghĩa - thành phố Hồ Chí Minh) sớm triển khai, hoàn thành đúng tiến độ; kiến nghị Trung ương sớm xây dựng đường sắt Đắk Nông - Chơn Thành (thuộc tuyến đường sắt kết nối các tỉnh Tây Nguyên “Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước”); mở rộng Quốc lộ 28.  

Thứ ba, Phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống chính trị, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và nguồn nhân lực trong các ngành, lĩnh vực là trụ cột phát triển kinh tế của địa phương.

Với ý chí, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm, ủng hộ của Trung ương, tinh thần đoàn kết, chung tay của của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, cộng đồng doanh ngiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước; tỉnh Đắk Nông tin tưởng sẽ hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030; đồng thời, tạo nền móng vững chắc để kiến tạo tương lai theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31/12/2023: ‘‘Trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Phát triển bền vững, toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh; là trung tâm về công nghiệp nhôm và sau nhôm của quốc gia; nền nông nghiệp công nghệ cao, giá trị cao; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái vùng. Trở thành ‘‘Tỉnh mạnh - Dân giàu - Thiên nhiên tươi đẹp - Xã hội nghĩa tình”.

Những minh chứng cụ thể cho các thành tựu đạt được; định hướng phát triển Đắk Nông trong những năm tới được cung cấp tại Báo cáo số 118/BC-UBND ngày 28/02/2024 của UBND tỉnh và tóm tắt về định hướng Quy hoạch Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong các Phụ lục gửi cùng Thông cáo.

II. CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 20 NĂM NGÀY TÁI LẬP TỈNH

Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh Đắk Nông là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về chính trị, văn hóa, xã hội đối với Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Để đánh dấu chặng đường 20 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động kỷ niệm nhằm tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về truyền thống lịch sử, văn hóa của tỉnh; khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc; củng cố niềm tin của các tầng lớp Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đắk Nông; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha anh trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ quê hương, đất nước trong thời kỳ mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng thời qua đó, quảng bá, giới thiệu mảnh đất và con người Đắk Nông, những tiềm năng, lợi thế và triển vọng phát triển của tỉnh Đắk Nông đến với bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Yêu cầu đặt ra với các hoạt động Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh là cần được tổ chức trang trọng, đúng quy định của Đảng và Nhà nước; có ý nghĩa chính trị sâu sắc; nội dung phù hợp, thiết thực, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Từ giữa năm 2023 đến nay, trong khuôn khổ các hoạt động Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh, các cấp, các ngành đã bố trí kinh phí, vận động tài trợ thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo cho các gia đình chính sách, đối tượng khó khăn với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 396/KH-UBND ngày 23/6/2023 về việc tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh Đắk Nông, dự kiến triển khai 16 hoạt động chính. Đến nay đã hoàn thành 03 hoạt động; 11 hoạt động tiếp tục thực hiện;  01 hoạt động chuyển thời gian tổ chức; 01 hoạt động đề xuất không thực hiện. Kết quả các hoạt động cụ thể được cung cấp trong các nội dung Phụ lục gửi kèm thông cáo. Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh cung cấp thông tin về các hoạt động cao điểm được tổ chức vào tháng 3/2024.

1. Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông năm 2024

- Thời gian: từ 14h00 – 17h00 ngày 23/3/2024.

- Địa điểm: Hội trường 1.200 chỗ, Trung tâm Hội nghị tỉnh.

- Nội dung: Quy hoạch Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Bản ghi nhớ đầu tư... một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

- Dự kiến có khoảng 600 đại biểu là lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo một số tỉnh, thành trong nước; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương tham dự.

2. Lễ Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh Đắk Nông và Chương trình nghệ thuật chào mừng

2.1 Lễ Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh Đắk Nông

- Thời gian: từ 19h00 ngày 23/3/2024

- Địa điểm:  khu vực Đảo nổi, Hồ Trung tâm, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.

- Tôn vinh, ghi ơn những người đã đặt nền móng, góp sức vào những thành tựu đạt được trong hơn 20 năm qua, ngoài đại biểu khách mời là lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các bộ, ban, ngành Trung ương: các tỉnh, thành phố; tỉnh Mondulkiri - Vương quốc Campuchia và lãnh đạo, cán bộ chủ chốt ở địa phương, khách mời của Ban Tổ chức phần lớn là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lao động; công dân tiêu biểu, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú, nghệ nhân nhân dân; lãnh đạo chủ chốt của tỉnh qua các thời kỳ. Ban Tổ chức cũng chuẩn bị hơn 1.500 vị trí cho công dân tỉnh nhà và du khách, bạn bè cùng tham dự sự kiện.

- Chương trình Lễ kỷ niệm được truyền hình trực tiếp từ 20h00’ - trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam - kênh VTV8; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đắk Nông (PTD) và được một số đài phát thanh – truyền hình các tỉnh, thành phố trong nước tiếp sóng.

2.2 Chương trình nghệ thuật chào mừng

- Thời gian: Ngay sau Lễ Kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông.

- Địa điểm:  khu vực Đảo nổi, Hồ Trung tâm, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.

- Với chủ đề “Đắk Nông – Âm vang đại ngàn”, sau phần mở màn “Dòng chảy cao nguyên”, sẽ là 02 chương với chủ đề “Thanh âm của núi”; “Sức sống đại ngàn”. Chương trình nghệ thuật tái hiện những thành quả lao động sáng tạo qua nhiều thế hệ và sức sống mãnh liệt của văn hóa truyền thống đã bồi đắp và tô điểm cho Đắk Nông ngày thêm sức sống mới; thể hiện tinh thần, khát vọng vươn lên của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên. Có sự tham gia của các ca sĩ Hồ Ngọc Hà, Lê Anh Dũng, Ygaria, Nguyễn Ngọc Anh, Mai Trang, Rapper Mc Tee; Vũ đoàn Ta Dance, Nhóm Oplus và sự thể hiện bản sắc của Đoàn ca múa dân tộc tỉnh Đắk Nông.

- Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam - kênh VTV8; Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Nông (PTD) và được Đài Phát thanh và Truyền hình các tỉnh, thành phố trong nước tiếp sóng.

- Kinh phí tổ chức: Công ty Cổ phần AAKER Việt Nam vận động tài trợ toàn bộ kinh phí tổ chức Chương trình nghệ thuật.

2.3 Bắn pháo hoa tầm thấp

- Thời gian: Ngay sau khi kết thúc Chương trình nghệ thuật, dự kiến khoảng 21h30.

- Địa điểm: Khu vực Đảo nổi, Hồ Trung tâm, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.

- Kinh phí: xã hội hóa

3. Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông lần thứ 2; Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ III năm 2024 và một số hoạt động văn hóa, xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Đắk Nông

- Thời gian: Dự kiến trong tháng 10 năm 2024.

- Địa điểm: Tại các huyện và thành phố Gia Nghĩa.

- Nội dung các hoạt động:

+ Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông "Xứ sở của những âm điệu" lần thứ 2.

+ Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ III năm 2024.

+ Liên hoan dân ca các dân tộc tỉnh Đắk Nông lần thứ II năm 2024 và Liên hoan trình diễn cồng chiêng và nhạc cụ truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông năm 2024.

+ Hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Đắk Nông: (1) Hội thảo kết nối tuyến, điểm du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông (2) Hoạt động khảo sát tham quan một số khu điểm du lịch tiêu biểu trên địa bàn tỉnh; (3) Trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và đặc sản đặc trưng địa phương.

Đây là sự kiện có quy mô lớn, đa dạng các hoạt động, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, tạo không gian kết nối và giao lưu văn hoá, thể thao, du lịch giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh. Hướng tới mục tiêu tuyên truyền, giới thiệu bản sắc và những sản phẩm văn hoá, du lịch đặc trưng của tỉnh Đăk Nông, phục vụ người dân và du khách; tạo cơ hội để các nghệ nhân, diễn viên quần chúng của tỉnh, các dân tộc trên địa bàn tỉnh được giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm; nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, phát huy tinh hoa của hoa văn các dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiên đậm đà bản săc dân tộc. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá du lịch, văn hóa, con người tỉnh Đắk Nông; tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch, đặc biệt gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; ghi dấu ấn đậm nét về tỉnh Đắk Nông qua 20 năm tái lập và phát triển, qua đó huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đến đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông ngày càng bền vững.

4. Các hoạt động khác

Từ ngày 05 – 07/3/2023: Giải Vô địch bóng chuyền nam, nữ tỉnh Đắk Nông lần thứ XIII, năm 2024, được tổ chức tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thảo tỉnh Đắk Nông.

Từ ngày 13/3 – 15/3:  Ngày hội Sách và Văn hóa đọc tỉnh Đắk Nông năm 2024 với chủ đề “Sách: Kết nối tri thức – Kiến tạo tương lai”, được tổ chức với quy mô lớn tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thảo tỉnh Đắk Nông.

Ngày 22/3/2024:

- Triển lãm giới thiệu Lịch sử hình thành, các thành tựu chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh trong 20 năm; được tổ chức tại Khuôn viên VNPT Đắk Nông.

-  Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và Giải việt dã tỉnh Đắk Nông lần thứ XVIII năm 2024

Ngày 23/3/2024:

-  Vào lúc 07h30: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức Lễ viếng Nghĩa trang liệt sỹ.

-  Buổi sáng: Hội đua thuyền thành phố Gia Nghĩa năm 2024.

- Vào lúc 18h00: Tổ chức thả Hoa đăng với biểu tượng là Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh tại Hồ trung tâm thành phố Gia Nghĩa.

III. THÔNG TIN LIÊN QUAN

1. Thông tin liên quan Tiểu ban Tuyên truyền đăng tải và cập nhật thường xuyên tại thư mục trực tuyến có địa chỉ https://bit.ly/3IQGWAl hoặc mã QR bên.

Các tài liệu gửi kèm Thông cáo:

1. Bài viết “Phát huy tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực, khơi dậy khát vọng vươn lên, xây dựng Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững“ đăng trong Kỷ yếu Đắk Nông 20 xây dựng và phát triển.

2. Kỷ yếu Đắk Nông 20 xây dựng và phát triển.

3. Các tài liệu liên quan đến Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

4. Thông tin kết quả Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông năm 2024.

5. Kết quả một số các hoạt động kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh.  

6. Thông tin Triển lãm giới thiệu Lịch sử hình thành, các thành tựu chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh trong 20 năm

7. Thông tin kết quả triển khai các hoạt động an sinh xã hội.

Cơ quan báo chí tác nghiệp tại các sự kiện trong khuôn khổ Lễ Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh Đắk Nông liên hệ Sở Thông tin và Truyền thông để đăng ký thông tin.

Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh Đắk Nông trân trọng thông tin đến quý cơ quan báo chí, cơ quan truyền thông các thông tin về sự kiện. Rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ trong công tác thông tin, tuyên truyền của Quý cơ quan để góp phần tạo nên sự thành công của sự kiện.

Trân trọng cảm ơn!

 

BAN TỔ CHỨC LỄ KỶ NIỆM

20 NĂM NGÀY TÁI TẬP TỈNH ĐẮK NÔNG


[1] Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2004 đạt 903 tỷ đồng

[2] Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2004 đạt 465 tỷ đồng

[3] Đã có 15 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động, với tổng công suất 356,61 MW, 02 dự án đang thi công, với tổng công suất 14MW; có 1.632 hệ thống điện mặt trời mái nhà, tổng công suất 377,412 MWp; 02 nhà máy điện mặt trời nối lưới, tổng công suất 106,4MWp đang vận hành; 01 nhà máy điện gió Đắk Hòa (công suất 50MW) đã vận hành thương mại; 01 dự án nhà máy điện gió Nam Bình (công suất 30MW) đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa vận hành; 03 dự án (Đắk N’Drung 1, Đắk N’Drung 2, Đắk N’Drung 3, công suất 300MW) đang triển khai xây dựng; dự án Asia Đắk Song 1 (công suất 50MW) đang triển khai các thủ tục về đầu tư xây dựng.

[4] Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến đến năm 2045, tỉnh Đắk Nông có 01 tuyến cao tốc, 04 tuyến quốc lộ (hiện có 03 tuyến), 01 tuyến đường sắt và 03 trạm dừng nghỉ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 761
Năm 2024 : 11.936
Tổng số : 2.615.324
Liên kết website