Dự thảo

Dự thảo Thông tư Quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực TT&TT

Ngày bắt đầu: 16/08/2021

Ngày kết thúc: 15/10/2021

Số lượt xem: 551

Góp ý: 0

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG 
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số:          /2021/TT-BTTTT
    Hà Nội, ngày        tháng       năm 2021
 
Dự thảo 2
 
THÔNG TƯ
Quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông
 

 

Căn cứ Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ;
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực Thông tin và Truyền thông.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, bao gồm: báo chí, xuất bản, in, phát hành, thông tin điện tử, thông tin cơ sở, bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin  (sau đây gọi tắt là đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông).
Điều 2.  Đối tượng áp dụng
1. Thông tư này áp dụng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông từ trung ương đến địa phương, gồm:
a) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ (sau đây viết tắt là bộ), cụ thể:
a1) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, bao gồm: Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của bộ và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc bộ;
a2) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục thuộc bộ (sau đây gọi chung là tổng cục thuộc bộ);
a3) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cục thuộc Bộ, thuộc chi cục thuộc cục thuộc bộ;
a4) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Văn phòng thuộc bộ;
a5) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cục thuộc tổng cục thuộc bộ;
b) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan thuộc Chính phủ (bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ngoài).
c) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập.
d) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), gồm:
d1) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
d2) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chuyên môn khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
d3) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
đ) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).
2. Thông tư này không áp dụng đối với:
a) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lực lượng vũ trang;
b) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được thực hiện theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
3. Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập được quy định tại khoản 1 Điều này và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội căn cứ quy định của Thông tư này và các quy định của Đảng và của pháp luật có liên quan để áp dụng cho phù hợp.
 
 Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Sáp nhập đơn vị sự nghiệp công lập là việc một hoặc một số đơn vị sự nghiệp công lập sáp nhập (sau đây gọi là đơn vị sáp nhập) vào một đơn vị sự nghiệp công lập khác (sau đây gọi là đơn vị nhận sáp nhập) hoặc một phần của một đơn vị sáp nhập vào một đơn vị sự nghiệp công lập khác bằng cách chuyển toàn bộ hoặc một phần chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cùng với toàn bộ hoặc một phần nhân lực, tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp tương ứng sang đơn vị nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại tư cách pháp nhân đối với đơn vị sáp nhập toàn bộ.
2. Hợp nhất đơn vị sự nghiệp công lập là việc một số đơn vị sự nghiệp công lập hợp nhất với nhau (sau đây gọi là đơn vị hợp nhất) để hình thành một đơn vị sự nghiệp công lập mới (sau đây gọi là đơn vị hình thành sau hợp nhất) bằng cách chuyển toàn bộ nhân lực, tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của các đơn vị hợp nhất sang đơn vị hình thành sau hợp nhất, đồng thời chấm dứt sự tồn tại tư cách pháp nhân đối với các đơn vị hợp nhất.
3. Giải thể đơn vị sự nghiệp công lập là việc chấm dứt sự tồn tại tư cách pháp nhân của đơn vị sự nghiệp công lập; toàn bộ nhân lực, tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của đơn vị do cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Nguyên tắc thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập
1. Bảo đảm các nguyên tắc quy định tại Điều 4 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây viết tắt là Nghị định số 120/2020/NĐ-CP).
2. Phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, duy trì chức năng, nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông.
Chương II
TIÊU CHÍ PHÂN LOẠI,  ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP, SÁP NHẬP, HỢP NHẤT, GIẢI THỂ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
Điều 5. Tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập
1. Phân loại theo chức năng, nhiệm vụ
a) Đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý nhà nước, gồm:
a1) Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng phục vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, chiến lược, chế độ, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan chủ quản;
a2) Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng cơ quan ngôn luận của cơ quan quản lý nhà nước chủ quản;
a3) Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện nhiệm vụ quản lý thông tin, tư liệu, số liệu về lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước chủ quản;
a4) Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện nhiệm vụ đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin theo phân công của cơ quan quản lý nhà nước; quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thông tin, dữ liệu, hệ thống kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước;
a5) Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện nhiệm vụ quản lý, vận hành mạng bưu chính, mạng viễn thông, hệ thống thông tin dùng riêng phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước;
          a6) Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện nghiên cứu xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật theo phân công;
a7) Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng đánh giá, kiểm định, đo kiểm phục vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chuyên ngành đảm bảo an toàn;
a8) Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng, nhiệm vụ khác phục vụ quản lý nhà nước (nếu có).
b) Đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, gồm:
b1) Đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ xuất bản, thực hiện nhiệm vụ thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền đảm bảo an ninh - quốc phòng, tuyên truyền đối ngoại, tuyên truyền phục vụ thiếu niên, nhi đồng, đối tượng chính sách xã hội, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và thông tin tuyên truyền thiết yếu khác;
b2) Đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ đo lường mức độ tiếp cận, sử dụng thông tin của khán giả phục vụ đánh giá hiệu quả nội dung thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh- quốc phòng, đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội;
b3) Đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ đảm bảo an toàn thông tin, phòng, chống thư điện tử rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác cho cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội;
b4) Đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ đo lường, chứng nhận, thử nghiệm, kiểm định chất lượng đối với sản phẩm, dịch vụ, giải pháp chuyên ngành thông tin và truyền thông;
b5) Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quản lý, vận hành, khai thác, đảm bảo an toàn hệ thống máy chủ tên miền quốc gia, trạm trung chuyển Internet quốc gia;
b6) Đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia;
b7) Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quản lý, vận hành, khai thác hệ thống chuyển mạng di động giữ nguyên số thuê bao;
b8) Đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác thuộc lĩnh vực Thông tin và Truyền thông theo quy định (nếu có).
c) Đơn vị sự nghiệp công lập vừa phục vụ quản lý nhà nước vừa cung cấp dịch vụ sự nghiệp công: là đơn vị thực hiện một hoặc nhiều nhiệm vụ nêu tại điểm a và b khoản 1 Điều này.
2. Phân loại theo mức độ tự chủ tài chính
a) Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư;
b) Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên;
c) Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên;
d) Đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
Điều 6. Điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập
Việc thành lập đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.
Các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực báo chí, xuất bản ngoài việc đáp ứng các điều kiện thành lập theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP còn phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Báo chí và Luật Xuất bản.
Điều 7. Điều kiện sáp nhập đơn vị sự nghiệp công lập
1. Đơn vị sự nghiệp công lập bị sáp nhập khi không đáp ứng một trong các tiêu chí thành lập đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý để phù hợp với quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc để đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Đơn vị sự nghiệp công lập nhận sáp nhập
a) Đáp ứng tiêu chí thành lập đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP;
b) Có chức năng, nhiệm vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được bổ sung thêm từ đơn vị bị sáp nhập hoặc có lĩnh vực hoạt động tương đồng với đơn vị bị sáp nhập;
c) Có năng lực tiếp nhận toàn bộ hoặc một phần nhân lực, tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của các đơn vị sáp nhập;
d) Có phương án tiếp tục hoạt động với chức năng, nhiệm vụ sau khi sắp xếp kiện toàn đơn vị bảo đảm chất lượng, hiệu quả được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Mức độ tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập sau sáp nhập
Đơn vị sự nghiệp công lập sau sáp nhập phải bảo đảm mức độ tự chủ về tài chính không thấp hơn mức độ tự chủ về tài chính cao nhất của các tổ chức thực hiện sáp nhập tại thời điểm bắt đầu tiến hành hoạt động sáp nhập.
Điều 8. Điều kiện hợp nhất đơn vị sự nghiệp công lập
1. Đơn vị sự nghiệp công lập bị hợp nhất
Đơn vị sự nghiệp công lập bị xem xét hợp nhất khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
a) Không đáp ứng một trong các tiêu chí thành lập đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP;
b) Có chức năng, nhiệm vụ tương đồng hoặc trùng lặp, chồng chéo với chức năng, nhiệm của các đơn vị khác.
2. Đơn vị sự nghiệp công lập hình thành sau quá trình hợp nhất
a) Đáp ứng tiêu chí thành lập đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP;
b) Bảo đảm duy trì chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị được hợp nhất.
3. Mức độ tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập sau hợp nhất
Đơn vị sự nghiệp công lập sau hợp nhất phải bảo đảm mức độ tự chủ về tài chính không thấp hơn mức độ tự chủ về tài chính cao nhất của các tổ chức thực hiện hợp nhất tại thời điểm bắt đầu tiến hành hoạt động hợp nhất.
Điều 9. Điều kiện giải thểđơn vị sự nghiệp công lập
1. Việc giải thể đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện khi có một trong các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.
2. Đơn vị sự nghiệp công lập chỉ thực hiện giải thể sau khi hoàn thành nghĩa vụ về tài chính, tài sản, đất đai, các khoản vay, nợ phải trả và các vấn đề khác có liên quan (nếu có) được cấp có thẩm quyền xác nhận.
 
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2021.
2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới ban hành.
Điều 11. Chế độ báo cáo
1. Cơ quan chủ quản của các đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trước ngày 30 tháng 11 năm tiếp theo.
2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương định kỳ tổng hợp, báo cáo về tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý gửi Bộ Thông tin và Truyền thông trước ngày 10 tháng 12 hằng năm để tổng hợp theo quy định.
Điều 12. Điều khoản chuyển tiếp
Cơ quan, tổ chức đã gửi đề án, tờ trình đến cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập trước ngày Thông tư này có hiệu lực, nhưng chưa được cơ quan hoặc người có thẩm quyền ra quyết định thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thì phải rà soát, hoàn chỉnh lại Đề án, bảo đảm phù hợp với các tiêu chí cụ thể về thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập ngành Thông tin và Truyền thông quy định tại Thông tư này và gửi lại Đề án đã chỉnh sửa cho cơ quan hoặc người có thẩm quyền ra quyết định thành lập theo quy định của pháp luật hiện hành về trình tự, thủ tục thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều 13. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, người đứng đầu cơ quan do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh bằng văn bản về Bộ Thông tin và Truyền thông để được hướng dẫn xử lý hoặc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Các cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- UBND các tỉnh, tp trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);  
- Công báo, Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Bộ TTTT: Bộ trưởng và các Thứ trưởng,
 Cổng TTĐT của Bộ;
- Lưu: VT, TCCB, VTL.
BỘ TRƯỞNG
 
 
 
 
Nguyễn Mạnh Hùng
 
 
 
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 775
Năm 2024 : 8.653
Tổng số : 2.612.041
Liên kết website