10 phiên bản Windows tuyệt vời nhất từ trước đến nay
Khi ai đó nói một thứ gì đó là "tuyệt vời nhất", có thể hiểu rằng thứ đó hội tụ đủ những yếu tố: di sản, tác động, cải tiến, và chức năng - những thứ mà các sản phẩm cùng thời không thể có được. Đó cũng là công thức chúng ta dùng để xếp hạng các phiên bản Windows trong bài viết này.
10. Windows 3.0 (1990)
Windows 3.0 thống nhất loạt sản phẩm Windows 2.x vốn được đặt tên một cách khó hiểu (Windows 2.03, Windows/286, Windows/386...) thành một môi trường duy nhất hoạt động trên hàng loạt các máy tính, từ những cỗ máy 8088s chậm chạp, đến những "siêu phẩm" sử dụng CPU 386 được xem là "hàng khủng" vào thời điểm đó. Nó còn bao gồm một giao diện người dùng mới khá ấn tượng với dáng vẻ 3D và một bộ biểu tượng đẹp mắt được thiết kế bởi nhà thiết kế đồ hoạ huyền thoại Susan Kare.
Đây cũng là phiên bản hệ điều hành Windows đầu tiên đi kèm trò chơi Solitaire!
9. Windows 8 (2012)
Ai cũng biết thay đổi luôn là điều khó khăn, và việc Windows 8 đi quá xa so với truyền thống đã khiến nhiều người dùng không hài lòng. Mặc cho hứng chịu biết bao đánh giá tiêu cực, Windows 8 vẫn là phiên bản cải tiến mạnh mẽ nhất của Windows kể từ Windows 95, sẵn sàng đối mặt với một thế giới đầy chông gai của các thiết bị di động cảm ứng (như iPad). Kết quả là chúng ta có một hệ điều hành lai có thể hoạt động cả trên tablet lẫn desktop.
Tuy nhiên, đối với người dùng desktop, kết quả này không được như mong đợi - loại bỏ Start menu là một sai lầm, nhưng Microsoft vẫn đáng được khen ngợi khi giải quyết tốt một số vấn đề khó chịu với bản cập nhật Windows 8.1. Dưới lớp giao diện mới mẻ, Windows 8 có thể ví như phiên bản Windows 7 tích hợp hàng loạt cải tiến về mặt bảo mật.
8. Windows NT 4.0 (1996)
Nếu bạn lấy tính ổn định của nhân Windows NT 32-bit rồi đặt giao diện người dùng cực kỳ thân thiện của Windows 95 lên trên, bạn sẽ có Windows NT 4.0. Độ ổn định không thể bàn cãi (sau một vài bản vá) biến nó thành hệ điều hành phổ biến nhất của Microsoft dành cho doanh nghiệp và giáo dục trong nhiều năm liên; đến năm 2003, vẫn có nhiều người dùng NT4 cảm thấy miễn cưỡng khi phải nâng cấp lên hệ điều hành mới, bởi cái gì chưa hỏng tại sao phải sửa cơ chứ?
Trên thực tế, nếu bạn sẵn sàng bỏ qua những tiện nghi của việc sử dụng một giao diện người dùng hiện đại cùng các bản cập nhật bảo mật, bạn vẫn có thể sử dụng Windows NT 4 để thực thi một vài tác vụ hiện nay - quan trọng là bạn có dám hay không mà thôi.
7. Windows 98 SE (1999)
Lấy những cải tiến đã được giới thiệu trên Windows 95 và thêm vào một giao diện linh hoạt hơn, trong khi vẫn lần mò trong thế giới MS-DOS 16-bit cổ xưa, chúng ta có Windows 98. Đã có một thời gian dài khi mà không có hệ điều hành PC nào dùng để chơi game tốt hơn Windows 98, bởi nó hỗ trợ mọi tựa game từng viết cho DOS, cũng như các tựa game nền DirectX sau này.
Phiên bản thứ hai (SE) ra mắt năm 1999, thêm vào một loạt những cải tiến (bao gồm hỗ trợ USB tốt hơn), đã giúp níu giữ người dùng Windows 98 cho đến khi Windows XP xuất hiện năm 2000, thay vì nâng cấp tiếp lên Windows Me. Dù nổi tiếng vì có độ ổn định không cao, Windows 98 vẫn là một bản nâng cấp phổ biến đối với người tiêu dùng PC nói chung.
6. Windows for Workgroups 3.11 (1993)
Windows for Workgroups sở hữu mọi tính năng tuyệt vời của Windows 3.11 năm 1992 - hỗ trợ font TrueType, hỗ trợ đa phương tiện, nhúng tài liệu với OLE, trò rà mìn Minesweeper... - và một số tính năng mới như hỗ trợ mạng native, biến nó thành phiên bản Windows tiềm năng nhất dành cho người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ cho đến khi Windows 95 ra mắt.
5. Windows 10 (2015)
Windows 10 có một khởi đầu không mấy suôn sẻ khi bị giới báo chí liên tục tấn công vì nghi vấn gửi thông tin về Microsoft, quảng cáo ngay bên trong hệ điều hành, và buộc người dùng cài đặt các bản cập nhật dù công việc đang dang dở. Nhưng dần dần, Microsoft đã khắc phục những vấn đề nói trên và tiếp tục cập nhật Windows 10 một cách đều đặn trong suốt 5 năm qua.
Hiện nay, Windows 10 đã là một hệ điều hành hoàn chỉnh, ổn định, mạnh mẽ, và cực kỳ phổ biến với hơn một tỷ người dùng. Được gọi là "phiên bản Windows cuối cùng", có lẽ Windows 10 sẽ tiếp tục phát triển và thay đổi cùng với sự chuyển động của thế giới.
4. Windows XP (2001)
Kể cả khi bạn không thích giao diện xanh lá - xanh dương của XP, có một thứ đầy ma thuật về hệ điều hành này: tính ổn định. Với XP, nhiều người dùng PC lâu năm cuối cùng cũng chấp nhận nâng cấp sau một thời gian dài bám víu lấy Windows 98 và Windows Me lạc hậu.
3. Windows 95 (1995)
Với nhiều người dùng PC, Windows 95 là đánh dấu sự chuyển mình của Windows, từ một "sản phẩm phần mềm của Microsoft" trở thành một "hệ điều hành desktop phải có". Đây là một hệ điều hành đẹp mắt (vào thời điểm nó xuất hiện) và dễ sử dụng, được trang bị Start menu và taskbar đầy cải tiến, đồng thời lần đầu tiên trong lịch sử vượt mặt Macintosh OS xét về độ hữu dụng.
Windows 95 đã giới thiệu nhiều chuẩn mực của Windows mà ngày nay vẫn còn hiện hữu, bao gồm File Explorer, hệ thống phím tắt, Recycle Bin, các lối tắt tập tin, desktop hiện đại... Nó là những gì nguyên bản nhất của Windows: bất kỳ ai quen thuộc với Windows ngày nay đều có thể quay về sử dụng Windows 95 mà không gặp chút khó khăn nào. Rất ít sản phẩm phần mềm đạt được thành tích đó trong suốt quãng đời tồn tại của chúng.
2. Windows 2000 (2000)
Windows 2000 là một tuyệt phẩm bị lãng quên - một phiên bản Windows ổn định và hoàn chỉnh, đi trước thời đại. Được định vị nằm ở phân khúc người dùng chuyên nghiệp, nó không được quảng bá rộng rãi như phiên bản Windows Me vốn dành cho người tiêu dùng. Nhưng không như các phiên bản Windows NT trước đó, Windows 2000 là phiên bản Windows NT đầu tiên phù hợp một cách hoàn hảo cho các hộ gia đình.
Nó làm được mọi thứ bạn cần một cách gọn lẹ, và có tính ổn định cực cao, chiếm được sự trung thành từ người dùng, những người thậm chí chẳng bao giờ cập nhật hệ điều hành nữa cho đến khi Windows 7 ra mắt năm 2009.
1. Windows 7 (2009)
Vào thời điểm xuất hiện, Windows 7 đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của Microsoft từ sau thảm hoạ Windows Vista, vốn bị chôn vùi bởi những thiết lập bảo mật (UAC) máy móc, vô số lỗi, tình trạng chiếm dụng tài nguyên, và giao diện Aero màu mè nhằm đua đòi với OS X mà chẳng mang lại nhiều lợi ích cho bản thân hệ điều hành.
Ngược lại, Windows 7 ổn định hơn Vista, chạy nhanh hơn trên cùng phần cứng, giảm thiểu các vấn đề liên quan UAC, và giao diện Aero được tối ưu để trông bớt hào nhoáng và mang phong thái cổ điển hơn (bạn có thể tắt nó đi nếu cần thiết). Chưa hết, Windows 7 vẫn giữ lại những cải tiến của Vista (như khả năng tìm kiếm trong Start menu, và thêm vào nhiều thứ mới mẻ khác (như đính biểu tượng lên taskbar).
Trớ trêu thay, một lý do chính khiến Windows 7 vẫn được ưa chuộng là nó khác với Windows 10. Windows 7 không có những tựa game đi kèm buộc người dùng phải bỏ tiền ra, không có quảng cáo trong Start menu, và không đòi hỏi bạn phải liên kết tài khoản lên đám mây. Bạn có thể cập nhật hệ thống khi thấy thích. Chiếc máy tính của bạn luôn nằm dưới sự kiểm soát của chính bạn, không phải của Microsoft. Nó chính là sản phẩm cuối cùng khép lại thời kỳ phần mềm không phải là dịch vụ mà nhiều người vẫn muốn bám víu lấy mặc cho công nghệ quanh ta đang thay đổi từng ngày.
Với việc Windows 7 cuối cùng đã bị ngừng hỗ trợ vào tháng 1/2020, bạn nên nâng cấp lên Windows 10 nếu có thể - nhưng đến bao giờ hệ điều hành mới của Microsoft mới đạt đến "cảnh giới" của Windows 7? Không phải bàn cãi nhiều khi khẳng định: cho đến lúc này, Windows 7 vẫn là phiên bản Windows tuyệt vời nhất dành cho desktop.
Theo Ictnews.vietnamnet.vn