Tác động của Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thiết bị đầu cuối thông tin di động
Tác động của Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thiết bị đầu cuối thông tin di động 28/08/2020 Sáng ngày 27/8/2020, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá tác động của Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT, Bộ GTVT, một số doanh nghiệp viễn thông di động.
Quang cảnh Hội nghị
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Vụ CNTT cho biết, Bộ TT&TT nhận thấy một trong những giải pháp đột phá, ít tác động tiêu cực đến người dân và đồng thời thúc đẩy sản xuất trong nước đó là thông qua việc xây dựng quy chuẩn quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất, trong đó quy định các thiết bị thông tin di động đầu cuối là phải tích hợp 4G.
Bên cạnh đó, thông qua tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế, việc xây dựng quy định này được dựa trên kinh nghiệm quốc tế như Singapore, cũng là thành viên của WTO thông qua cơ quan quản lý thông tin và truyền thông đa phương tiện đã có khuyến nghị là khách hàng nên chuyển sang các thiết bị đầu cuối hỗ trợ 3G, 4G từ tháng 4/2017 và cũng có chính sách là cấm bán thiết bị đầu cuối mà chỉ hỗ trợ 2G vào cuối tháng 7/2017. Theo đó, các nhà sản xuất và cung cấp thiết bị đầu cuối tại Singapore phải đảm bảo hỗ trợ công nghệ IMT-2000, chính là 3G và LTE-Advanced (4G).
Sản phẩm thiết bị đầu cuối 2G đang được rất nhiều người sử dụng, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, do vậy cần phải có đánh giá từ các đơn vị liên quan. Bộ TT&TT đã xây dựng khảo sát online, tổ chức hội nghị trực tuyến để đánh giá.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho rằng, công nghệ thay đổi liên tục, đặc biệt là công nghệ thông tin di động. Chúng ta đã bắt đầu từ công nghệ tương tự từ mấy chục năm trước, sau đó chúng ta chuyển sang sử dụng công nghệ số từ 2G – 3G, 4G, 5G.
Trên thế giới mới có một vài nước triển khai 5G, Việt Nam đã bắt đầu triển khai. Nhưng giờ trên thế giới đã có nghiên cứu về 6G, cũng đã có nước nghiên cứu thành công chip 6G tốc độ nhanh hơn 5G 100 lần. Như vậy, trong vòng 30 năm công nghệ đã qua 4 – 5 vòng đời và vòng đời công nghệ ngày càng ngắn lại, đòi hỏi chúng ta phải có thích ứng nhanh, không thể bám mãi vào một công nghệ được. Đây là nhu cầu phát triển tất yếu của cuộc sống hướng tới những gì hiệu quả hơn, tính năng ngày càng cao hơn để phục vụ tốt hơn cho tất cả nhu cầu cuộc sống của con người, sự phát triển kinh tế xã hội.
Thứ trưởng cho rằng, Việt Nam và các đơn vị, doanh nghiệp liên quan đến sản xuất kinh doanh thiết bị đầu cuối và khai thác mạng di động thì không thể đứng ngoài tiến trình phát triển chung với tốc độ nhanh của công nghệ. Hiện tại, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu chuyển đổi số quốc gia mà chuyển đổi số thì không thể chạy trên nền tảng 2G nên xu thế tắt sóng 2G gần như là không thể tránh khỏi, vấn đề chỉ là thời điểm. Trong thời đại hiện nay, ai đi nhanh sẽ chiến thắng.
Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp cùng thảo luận để đẩy nhanh hơn tiến trình chuyển đổi và việc chuyển đổi sao cho ít ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp.
Đại diện Cục Viễn thông cho biết Dự thảo Thông tư Ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất” đã được xây dựng và đăng trên Cổng thông tin điện tử Bộ TT&TT lấy ý kiến rộng rãi từ tháng 9/7/2020.
Công nghệ viễn thông phát triển nhanh chóng từ 2G – 5G, tới đây là 6G. Xu thế sử dụng dịch vụ từ thoại, SMS truyền thống sang sử dụng dữ liệu và các dịch vụ trên nền tảng dữ liệu, đặc biệt Covid-19 vừa rồi chứng kiến sự bùng nổ của các ứng dụng trực tuyến rất nhiều, hỗ trợ rất nhiều cho cuộc sống hàng ngày.
Bên cạnh đó, Chính phủ có Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để tạo nền móng chuyển đổi số về phát triển hạ tầng số nhất là: Quy hoạch lại băng tần, phát triển hạ tầng mạng di động 5G; nâng cấp mạng di động 4G, sớm thương mại hoá mạng di động 5G; Triển khai các giải pháp để phổ cập điện thoại di động thông minh tại Việt Nam; Xây dựng quy định và lộ trình yêu cầu tích hợp công nghệ mới như 4G, 5G đối với các sản phẩm điện thoại di động và các thiết bị IoT. Đây là định hướng lớn để chuyển đổi số quốc gia.
Đại diện Cục Viễn thông cũng cho biết, hiện nay, Việt Nam có 06 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động với trên 129 triệu thuê bao. Các công nghệ hiện tại vẫn đang tồn tại trên mạng hiện nay có 2G, 3G, 4G, 5G sẽ được triển khai thương mại.
Về số lượng các thuê bao: Thuê bao sử dụng thiết bị 2G only qua 3 năm gần đây đã giảm. Năm 2016 là hơn 37 triệu chiếc, năm 2017 là hơn 32 triệu và đến tháng 7/2020 là hơn 24 triệu chiếc. Số lượng thuê bao sử dụng thiết bị 3G tăng từ hơn 26 triệu chiếc năm 2016 lên hơn 34 triệu thuê bao và sau đó giảm, đến tháng 7/2020 còn hơn 820.000 thuê bao.
Về giải pháp kỹ thuật để đẩy nhanh sử dụng smartphone để ứng dụng vào công việc, đời sống hàng ngày thì có 2 vấn đề cơ bản là cấm sản xuất/nhập khẩu thiết bị 2G hay còn gọi là feature phone truyền thống và quy định các thiết bị tích hợp công nghệ di động thế hệ mới như 4G hoặc sau này là 5G. Theo đó, cần quy định thiết bị đầu cuối thông tin di động phải tích hợp công nghệ 4G. Cục Viễn thông sẽ phối hợp với các đơn vị của Bộ đề ra phương án quy chuẩn dựa trên 3 quy chuẩn hiện hành (quy chuẩn RF quản lý các thiết bị đầu cuối TTDĐ, bao gồm các thiết bị 2G, 3G, 4G, quy chuẩn EMC đối với các thiết bị đầu cuối và phụ trợ trong hệ thống thông tin di động, dựa trên các tiêu chuẩn tham chiếu của Viện tiêu chuẩn Viễn thông châu Âu.
Bên cạnh đó, phương án xây dựng quy chuẩn mới thay thế 3 quy chuẩn Việt Nam hiện tại với phạm vi áp dụng là thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất (trừ thiết bị narrowband IoT), Quy định thiết bị bắt buộc phải hỗ trợ công nghệ 4G (dù là smartphone hay feature phone đều phải tích hợp). Đối với những thiết bị có hỗ trợ công nghệ GSM, WCDMA phải tuân thủ thêm các yêu cầu kỹ thuật về GSM, WCDMA. Phương án xây dựng quy chuẩn này là áp dụng nguyên vẹn các yêu cầu kỹ thuật của 03 quy chuẩn hiện hành; chưa cập nhật băng tần mới, công nghệ TDD; Chưa cập nhật các yêu cầu kỹ thuật theo các tiêu chuẩn tham chiếu (tiêu chuẩn ETSI) mới.
Tại hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp viễn thông di động cũng có ý kiến cho rằng: Nên cân nhắc thời điểm nào tắt 2G. 4G sẽ mang lại giá trị nhiều hơn nhưng cần phải có thời gian để phát triển dịch vụ. Vì vậy, nên kéo dài thời gian tắt sóng 2G đến 2025, kéo dài giấy phép cho các doanh nghiệp, hiệp hội vận tải vì hiện nay, có khoảng hơn 1 triệu ô tô gắn thiết bị giám sát hành trình công nghệ 2G, trong đó có cả tàu cá…
Đại diện Vinsmartphone cho biết, hiện nay Vinsmartphone đang hỗ trợ tất cả băng tần 2G trên cả các điện thoại Vinsmart và khi nếu có cắt tắt sóng thì tiết kiệm được chỉ là thêm 03 – 0,5 USD. Giá trị không nhiều. Các nhà sản xuất phần cứng mà Vinsmart hợp tác như Qualcomm, Mediatech cũng đã tích hợp hầu hết công nghệ mạng 2G, 3G, 4G trên các con chip AF transceiver rồi. Nếu các nhà sản xuất, nghiên cứu có thay đổi thêm vào băng tần 4G, bỏ băng tần 2G thì cũng chỉ bỏ đi các linh kiện như các bộ lọc, các linh kiện nhỏ thì chi phí thêm cũng chỉ 0,3 – 0,7 USD.
BKAV cho rằng đi từ 2G – 4G chi phí gấp 3 lần. Đối với dòng điện thoại thường và smartphone chipset là tốn kém, bao gồm ROM, RAM, pin. BKAV đang làm việc với Viettel làm dòng smartphone giá rẻ. Bộ có hướng tắt sóng 2G tiếp theo để đảm bảo không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, Bộ sẽ tiếp tục cân nhắc lại các ý kiến được trao đổi hôm nay và trong thời gian tới, tiếp tục tham vấn các doanh nghiệp để sớm ban hành quy chuẩn, tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp có căn cứ để sản xuất thiết bị trên nền tảng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đồng bộ với thế giới.
Thứ trưởng cũng chỉ đạo Vụ CNTT, Cục Viễn thông sẽ là đầu mối tiếp nhận ý kiến trao đổi, góp ý từ các đơn vị, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, tổng hợp số liệu tồn kho, tốc độ tiêu thụ sản phẩm, dự báo thị trường khi có dự kiến tắt sóng 2G, chuyển sang 4G để điều chỉnh chính sách phù hợp với các nhóm thị trường khác nhau.
Theo Mic.gov.vn
Nguồn:stttt.daknong.gov.vn Copy link