Thực hiện tốt thông tin đối ngoại lan tỏa hình ảnh của Việt Nam
Ngày 6/6 tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị tập huấn truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, TTĐN là nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác đối ngoại và công tác tư tưởng của Đảng và Nhà nước, là cầu nối và phương tiện để mở rộng giao lưu hiểu biết giữa Việt Nam và các nước. Xét về lợi ích quốc gia, thực hiện tốt công tác TTĐN sẽ giúp bạn bè quốc tế tiếp cận tình hình về Việt Nam một cách chính xác, qua đó hiểu đúng về đất nước, con người Việt Nam. Điều này giúp thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước ta, tranh thủ sự ủng hộ của Nhân dân thế giới, sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thu hút sự quan tâm của nhà kinh doanh, tổ chức tài chính tiền tệ, Chính phủ các nước trên thế giới.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác TTĐN còn góp phần hạn chế những thông tin sai lệch, bịa đặt về Việt Nam và ngăn chặn âm mưu "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa cũng như các hoạt động phá hoại an ninh quốc gia của các phần tử chống đối. Trong bối cảnh các lực lượng thù địch đang ra sức tuyên truyền cho các giá trị phương Tây, bôi xấu, xuyên tạc các chính sách của Đảng và Nhà nước trong các vấn đề đối nội và đối ngoại, công tác TTĐN càng đóng vai trò quan trọng hơn, đem lại cho Nhân dân nhận thức đúng đắn nhất về chính sách của Đảng và Nhà nước, phản bác lại các luận điệu xuyên tạc.
Đóng góp vào thành công của công tác TTĐN không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của các bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đã song hành với Bộ TT&TT xây dựng và kiện toàn bộ máy TTĐN từ Trung ương đến địa phương; từng bước xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách; bố trí nhân sự, xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất…
Cụ thể: Đến tháng 12/2023, 90% các bộ, ngành đã ban hành kế hoạch triển khai công tác TTĐN hoặc lồng ghép nội dung TTĐN trong kế hoạch hoạt động TTĐN hoặc kế hoạch công tác chuyên môn hằng năm của các bộ, ngành; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Kế hoạch công tác TTĐN hằng năm trên địa bàn; 100% các bộ, ngành, 58/63 địa phương đã có phiên bản trang/ cổng thông tin điện tử bằng tiếng nước ngoài; 55/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Quy chế quản lý hoạt động TTĐN trên địa bàn căn cứ Nghị định số 72/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 22/2016/TT-BTTTT của Bộ TT&TT.
Với sự nỗ lực của các bộ, ban, ngành, địa phương, hoạt động TTĐN cả nước đã được triển khai khá đồng đều, hạn chế được khoảng cách vùng, miền, khu vực; góp phần quan trọng bảo vệ an ninh, quốc phòng; nâng cao vị thế của Việt Nam, thúc đẩy hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư và khách du lịch nước ngoài; tăng cường gắn kết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày 6 và 7/6, các đại biểu tập trung hướng dẫn, trao đổi, tìm ra những mô hình, giải pháp hay về quảng bá, truyền thông hình ảnh quốc gia; nghiên cứu xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia bảo đảm sự thống nhất trong công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện từ Trung ương đến các cấp cơ sở, nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TTĐN trong tình hình mới.
Để phối hợp đồng bộ giữa chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia với mục tiêu xây dựng thương hiệu các địa phương ở Việt Nam, ông Lê Quốc Vinh đưa ra một số khuyến nghị. Theo đó, mỗi tỉnh thành hay khu vực phải xây dựng cho được một chiến lược thương hiệu địa phương; xây dựng các chính sách thúc đẩy và kế hoạch hành động duy trì và phát triển những đặc trưng riêng có của từng địa phương, biến chúng thành những giá trị cảm nhận rõ ràng và mạnh mẽ đối với các đối tượng mục tiêu. Ở cấp quốc gia, cần nghiên cứu và hoạch định một chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia, với các giá trị cạnh tranh nổi bật, ở bình diện chung của đất nước kết hợp với thế mạnh của từng địa phương. Bên cạnh đó, xây dựng những chiến dịch truyền thông quảng bá, hướng đến những nhóm đối tượng mục tiêu cụ thể; phối hợp triển khai cùng với chiến dịch quảng bá thương hiệu địa phương phù hợp, hoặc lồng ghép các nội dung quảng bá thương hiệu địa phương trong các chiến dịch quốc gia
Đại diện một số đơn vị, địa phương đã giới thiệu những cách làm hay, kinh nghiệm thực tế trong triển khai công tác đối ngoại, như: đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Giang giới thiệu về phát huy vai trò, hiệu quả của truyền thông số trong quảng bá, lan tỏa hình ảnh Hà Giang; đại diện Công ty Vinanutrifood chia sẻ kinh nghiệm kết nối quảng bá hình ảnh các địa phương tại Vietnam House, thành phố Bằng Tường, Trung Quốc.../.
TTBCXB