A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sở Thông tin và Truyền thông - 20 năm xây dựng và phát triển

Qua 20 năm xây dựng và phát triển (2004-2024), cùng với quá trình phát triển của tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, đã tạo dựng, phát triển ngành thông tin, truyền thông; ngày càng được khẳng định vai trò, vị thế; thể hiện rõ dấu ấn tác động vào sự phát triển của tất cả các ngành, lĩnh vực, phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của tỉnh Đắk Nông.

NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC SAU 20 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Ngày 05/8/2002 Quốc hội Khóa XI ban hành Nghị quyết số 55/2002/QH11, Quy định danh sách các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ, thành lập mới Bộ Bưu chính, Viễn thông trên cơ sở Tổng cục Bưu điện; ngày 11/11/2002 Chính phủ ban hành Nghị định số 90/2002/NĐ-CP Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Bưu chính, Viễn thông; đến ngày 25 tháng 02 năm 2004 Chính phủ ban hành Nghị định số 101/2004/NĐ-CP thành lập Sở Bưu chính, Viễn thông thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đáp ứng nhiệm vụ quản lý ngành Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin nhằm đảm bảo sự ổn định, phát triển chung của xã hội và đưa ngành phát triển ngang tầm với vai trò, vị trí của mình.

Sớm nhận thức được vai trò quan trọng của bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin đối với quá trình phát triển kính tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng ở địa phương, chỉ sau hơn 5 tháng kể từ thời điểm các Bộ Nội vụ và Bộ Bưu chính viễn thông có hướng dẫn về việc thành lập Sở Bưu chính, Viễn thông thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngày 01/9/2004, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 839/QĐ-UB thành lập Sở Bưu chính, Viễn thông, đưa Đắk Nông trở thành một trong số những địa phương đầu tiên của cả nước thành lập Sở Bưu chính, Viễn thông (Đắk Lắk thành lập ngày 28/12/2004; Gia Lai ngày 01/01/2005; Lâm Đồng ngày 08/3/2025, Thành phố Hà Nội ngày 08/12/2024; Thành phố Hồ Chí Minh ngày 29/10/2024; v.v…; nhiều địa phương đến đầu năm 2006 mới thành lập).

Năm 2008, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định số 427/QĐ-UBND  thành lập Sở Thông tin và Truyền thông trên cơ sở Sở Bưu chính, Viễn thông và tiếp nhận chức năng, quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch). Việc thành lập Sở Thông tin và Truyền thông không chỉ là sự đổi tên thông thường mà còn thể hiện một tư duy mới trong quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng tinh gọn bộ máy quản lý hành chính. Từ đây, đánh dấu bước đổi mới trong công tác quản lý chuyên ngành thông tin và truyền thông tại địa phương.

Tham mưu đồng bộ về chủ trương, cơ chế chính sách phát triển thông tin truyền thông trên địa bàn

Từ khởi đầu là đội ngũ đa phần trẻ, chuyển sang từ doanh nghiệp, thiếu kinh nghiệm thực hiện công tác quản lý nhà nước, thiếu cả cơ sở vật chất; qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Nông đã “vượt lên chính mình”; xây dựng, phát triển và hoàn thiện mô hình hoạt động; tham mưu đồng bộ về chủ trương, cơ chế chính sách phát triển thông tin, truyền thông trên địa bàn; thúc đẩy sự phát triển của công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của hệ thống chính trị.

Khai trương Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đắk Nông

Ngay từ khi thành lập đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành quy hoạch, chiến lược, văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch liên quan đến các lĩnh vực, công tác quản lý nhà nước của ngành, tạo được khung cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy phát triển sự nghiệp thông tin và truyền thông trên địa bàn. 

Định hướng, hỗ trợ phát triển hạ tầng bưu chính, viễn thông rộng khắp

Trên lĩnh vực bưu chính, chuyển phát; viễn thông và Internet; truyền dẫn phát sóng; tần số vô tuyến điện, Sở TT &TT đã thể hiện rõ vai trò vừa quản lý, vừa điều phối, tạo cơ chế để các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông phát triển hạ tầng, thông qua việc tham mưu ban hành Quy hoạch mạng lưới bưu chính viễn thông tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến 2025. Qua đó tạo sự thống nhất trong phát triển mạng lưới và tránh được sự chồng chéo trong sử dụng chung hạ tầng giữa các doanh nghiệp viễn thông; đồng thời, tạo được hành lang pháp lý thông thoáng để các doanh nghiệp cùng phát triển.

Mạng lưới bưu chính, viễn thông phát triển vượt trước, không chỉ giúp đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành thông suốt; mà còn là dòng chảy mạnh mẽ thúc đẩy sự sự phát triển văn hóa, xã hội, kinh tế của nhân dân; đưa vùng sâu, vùng xa sát lại gần các trung tâm phát triển.

 

Dẫn dắt công cuộc Chuyển đổi số - tạo ra cơ hội, giá trị mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Trong những năm qua, nhằm đẩy mạnh tiếp cận và ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt là ứng dụng và phát triển công nghệ số, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về Chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trực tiếp tham mưu cho UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch chi tiết với 96 nhiệm vụ với yêu cầu cụ thể về kết quả đạt được, thời gian hoàn thành, phân vai chủ trì cho từng chủ thể để “Chuyến đổi số là động lực tạo ra cơ hội, giá trị mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong thời kỳ mới”. Bám sát, đồng hành, hỗ trợ, giúp các ngành, các địa phương, đơn vị  từng bước triển khai các giải pháp chuyển đổi số phù hợp với đặc điểm nguồn lực của Đắk Nông với tinh thần, phương châm quyết liệt “Việc 5 năm hoàn thành trong 01 năm”.  Sau hơn hai năm thực hiện, với sự vào cuộc của các cấp, ngành, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, quá trình chuyển đổi số đã có những tác động rõ nét trên cả 3 trụ cột chính quyền số - kinh tế số - xã hội số góp phần nâng cao hiệu quả, công khai, minh bạch hoạt động chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, mang lại những trải nghiệm mới, tiện ích và hiện đại cho  người dân, doanh nghiệp.

Đưa hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường số gắn với đảm bảo an toàn, an ninh mạng, hình thành Chính quyền số

Sớm nhận thức được “Cơ sở dữ liệu là  “nhiên liệu”, “trái tim” của của quá trình chuyển đổi số”, Sở đã tham mưu, định hướng triển khai tạo dựng cơ sở hạ tầng, kết nối dữ liệu số, trọng tâm là triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu cấp tỉnh và liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Các giải pháp xây dựng chính quyền số được Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh quyết liệt triển khai thực hiện, nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030, đưa toàn bộ hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp lên môi trường số; đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong các hệ thống chính trị để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng trên địa bàn tỉnh. Kết quả, nhiều sở, ngành, cơ quan, đơn vị đã xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành để nâng cao hiệu quả công việc như: cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức; Nền tảng số nông nghiệp; Cổng du lịch thông minh; cơ sở dữ liệu đất đai, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm; cơ sở dữ liệu cấp chứng chỉ hành nghề, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, v.v.....ngày càng làm giàu dữ liệu số tỉnh Đắk Nông.

 

Cùng với đó, Sở Thông tin và Truyền thông trực tiếp tham mưu xây dựng và vận hành Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) của tỉnh từ năm 2022 đến nay, giám sát, điều hành 11 lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh theo thời gian thực thông qua các hệ thống giao nhiệm vụ, theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện.

Khai trương Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Đắk Nông

Năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông được giao tiếp nhận Cổng dịch vụ công trực tuyến. Từ sau khi chuyển giao đã được nâng cấp, tích hợp ứng dụng một cửa điện tử liên thông; đẩy mạnh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình, cho phép người dân và doanh nghiệp nộp hồ sơ, thanh toán phí, nhận kết quả qua mạng Internet, không cần đến trực tiếp cơ quan công quyền. Đồng thời, tham mưu phát triển ứng dụng, kênh giao tiếp chính thức giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan chính quyền trên môi trường số qua ứng dụng Đắk Nông – C từ tháng 11/2023, cho phép người dân, doanh nghiệp và du khách truy cập các thông tin, dịch vụ và tiện ích của chính quyền số một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Khai trương ứng dụng DAKNONG-C

Từng bước hình thành xã hội số  - phát triển mạnh mẽ kinh tế số thông qua việc thúc đẩy hoàn thành việc đăng ký tài khoản định danh điện tử cho công dân; đồng bộ, tăng cường sử dụng các dịch vụ công, dịch vụ thương mại có sử dụng tài khoản định danh điện tử và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục phủ sóng, phổ biến rộng khắp nhờ giải pháp hạ tầng, phát triển dịch vụ của các ngân hàng thương mại. Qua đó, 100% cơ sở y tế, 100% cơ sở giáo dục, 100% cơ sở điện lực tại Đắk Nông chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. Với cách làm phù hợp, Đắk Nông đã có bước tiến lớn trong việc hình thành nền tảng “xã hội số”, mang lại cơ hội phát triển kinh tế số, tại nền tảng cho tăng trưởng. Kinh tế số cũng có những chuyển biến tích cực, tỷ trọng của kinh tế số của tỉnh chiếm 9,44 % trong GRDP của tỉnh Đắk Nông (4.378 /46.388 tỷ đồng).

 

Định hướng báo chí, truyền thông; xây dựng thông tin cơ sở trở thành dòng chảy thông tin chính 

Trên lĩnh vực báo chí – truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng hoạt động báo chí, truyền thông và xây dựng hệ thống thông tin cơ sở; tổ chức hoạt động thông tin đối ngoại. Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện công tác quy hoạch báo chí, công tác chuyển đổi số báo chí, truyền thông chính sách, công tác phát ngôn và phản hồi thông tin báo chí; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về báo chí - truyền thông. Được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá là địa phương đi đầu trong hoạt động truyền thông chính sách, quản lý đi đôi với tạo điều kiện cho báo chí, truyền thông phát triển.

Từ hệ thống truyền thông manh mún thời điểm 20 năm về trước, đến nay Đắk Nông đã xây dựng được hệ thống truyền thông đa tầng, rộng khắp. Báo Đắk Nông và Đài PT-TH Đắk Nông vượt lên là nhóm cơ quan báo chí đẫn đầu trong chuyển đổi số báo chí; độ lan tỏa thuộc nhóm dẫn dầu các cơ quan báo Đảng toàn quốc, Đài PT-TH khu vực. Thức đẩy phát triển hệ thống thông tin cơ sở hướng đến mục tiêu hết năm 2025, 100% xã có hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông, bảng thông tin điện tử công cộng, trang thông tin điện tử. 

Bên cạnh nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực truyền thông, Sở TTTT Đắk Nông còn được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh và hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều giải pháp đổi mới mạnh mẽ, nội dung, phương thức hoạt động. Với định hướng xây dựng Cổng Thông tin điện tử và vận hành Hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh trở thành cơ quan thông tin truyền thông đa phương tiện của Ủy ban nhân dân tỉnh; là đầu mối tổ chức, quản lý, công bố các thông tin chính thống của Ủy ban nhân dân tỉnh; đầu mối cung cấp nội dung truyền thông chính sách cho hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh (trang thông tin điện tử, bảng thông tin điện tử công cộng, đài truyền thanh cấp xã, v.v…). 

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN 

Trên cơ sở định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, Sở Thông tin và Truyền thông Đắk Nông,  thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND định hướng phát triển các lĩnh vực trong ngành thông tin, truyền thông hướng tới các mục tiêu:

Trên lĩnh vực bưu chính – viễn thông

Định hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp hình thành hạ tầng chuyển phát hàng hoá, nhất là hàng hóa cho thương mại điện tử và bán lẻ, phát triển kinh tế địa phương, tham gia xoá đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, xây dựng nền tảng địa chỉ số, hệ thống logistics… Quản lý và thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Nâng cao chất lượng mạng 4G và đẩy mạnh triển khai hạ tầng ứng dụng công nghệ viễn thông mới và Internet vạn vật, trọng tâm là tiếp tục kiện toàn cơ sở hạ tầng và nâng cấp chất lượng mạng 4G, triển khai mạng 5G trong năm 2025; tiên phong  áp dụng các tiến bộ công nghệ mới trong tương lai. Xây dựng, phát triển hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao trên địa bàn tỉnh, ưu tiên đối với các địa bàn trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển hệ thống truyền thông, thông tin cơ sở hiện đại, rộng khắp. Báo chí cách mạng là lực lượng trung tâm trong một không gian truyền thông bao gồm các nền tảng, phương thức truyền thông hỗ trợ lẫn nhau: báo chí, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại, trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội trong nước, các hình thức thông tin khác trên nền tảng viễn thông...  Phát triển các cơ quan báo chí, Cổng thông tin điện tử tỉnh và Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh trở thành lực lượng “lõi” để lan tỏa thông tin chính thống, dòng chảy chính lên không gian truyền thông, đồng thời để xác tín thông tin, định hướng dư luận, phản bác tin giả, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điếm sai trái, thù địch. 

Định hướng các doanh nghiệp in ấn, xuất bản chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh truyền thống sang ứng dụng công nghệ, mở rộng liên kết chuỗi, phát triển các kênh thương mại điện tử; khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng và phát triển hệ thống xuất bản, in, phát hành trên địa bàn tỉnh; phát triển văn hóa đọc.

Lĩnh vực chuyển đổi số

Hướng đến mục tiêu tổng quát phấn đấu đến năm 2030, chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, hoàn thành cơ bản các mục tiêu của Chính phủ trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Đắk Nông trở thành tỉnh trung bình khá trong cả nước về chuyển đổi số; hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Xây dựng chính quyền thông minh đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Phát triển hạ tầng số dùng chung, kho dữ liệu dùng chung và nền tảng số dùng chung. Chuẩn hóa, số hóa, cập nhật 100% các cơ sở dữ liệu chuyên ngành toàn diện các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội – môi trường của tỉnh; tập trung vào 03 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh về công nghiệp alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch … Chính quyền số phục vụ cho lãnh đạo ra quyết định dựa trên dữ liệu số của các ngành, đơn vị.

Thúc đẩy tiến trình kết nối và mở dữ liệu, tạo cơ hội phát triển kinh tế số, xã hội số, hướng đến phát triển đô thị thông minh bền vững của tỉnh Đắk Nông bao gồm quy hoạch thông minh, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông và phát triển, cung cấp các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh. Bảo đảm phát triển đô thị thông minh bền vững của tỉnh gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số trên phạm vi toàn tỉnh theo hướng tiếp tục lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Then chốt là cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hướng đến mục tiêu 100% thủ tục hành chính được cung cấp qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình; dịch vụ thông minh, tiện ích phục vụ người dân và doanh nghiệp không giới hạn về không gian và thời gian; phát triển, hoàn thiện các hệ thống thông tin nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính trị toàn tỉnh.

Đẩy mạnh triển khai hạ tầng ứng dụng công nghệ viễn thông mới, phủ khắp trên địa bàn tỉnh; khuyến khích doanh nghiệp và người dân sử dụng các thiết bị thông minh, tích cực, chủ động tham gia hiệu quả vào quá trình chuyển đổi số, góp phần hình thành doanh nghiệp số và công dân số; ưu tiên đẩy nhanh chuyển đổi số đối với các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội gắn với doanh nghiệp và dân sinh.

Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế;  xây dựng hệ sinh thái kinh doanh số lấy doanh nghiệp làm trung tâm; hỗ trợ các doanh nghiệp số khởi nghiệp, hình thành cộng đồng doanh nghiệp số và khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ số để chuyển đổi mô hình kinh doanh và thiết lập môi trường kinh doanh cạnh tranh, lành mạnh, nâng tỷ trọng kinh tế số đến năm 2030 đạt 20% GRDP;

Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số. Thúc đẩy người dân sử dụng thiết bị số gắn với đào tạo kỹ năng số và xây dựng văn hóa số. Phát triển, triển khai các ứng dụng số cung cấp tiện ích, phục vụ nhu cầu người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, bảo đảm an toàn, an ninh.

Phát huy kết quả đạt được trong 20 năm qua, toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành TT&TT tiếp tục nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nỗ lực hoàn thành sớm các chỉ tiêu của ngành giai đoạn 2021-2025, xây dựng kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo; tiếp tục tham mưu và tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU về Chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025.


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 6
Hôm nay : 695
Năm 2024 : 33.990
Tổng số : 2.637.378
Liên kết website