A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thông cáo báo chí công bố số liệu thống kê Kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông năm 2022

Trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, ngày 08/01/2022  Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022; Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Triển khai các Nghị quyết trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, quyết liệt triển khai nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết, từ đó tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Trong tỉnh, với quyết tâm đạt được mục tiêu của Nghị quyết 175/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh giao, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đắk Nông đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời các nhiệm vụ và giải pháp của Chính phủ với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch covid-19, bảo vệ tối đa sức khoẻ, tính mạng Nhân dân, đồng thời triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong 12 tháng năm 2022 như sau:

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ

1. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 theo giá so sánh 2010 ước đạt 22.400,31 tỷ đồng, tăng 7,59% so với năm trước. Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 8.413,93 tỷ đồng, tăng 5,21%, đóng góp 2,0 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 4.430,84 tỷ đồng, tăng 7,87% (riêng công nghiệp đạt 2.495,80 tỷ đồng, tăng 8,96%), đóng góp 1,55 điểm phẩn trăm; khu vực dịch vụ đạt 8.612,74 tỷ đồng, tăng 10,40%, đóng góp 3,90 điểm phần trăm; thuế sản phẩm (-) trừ trợ cấp sản phẩm đạt 942,79 tỷ đồng, tăng 3,16%, đóng góp 0,14 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 37,64%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 19,61%; khu vực dịch vụ chiếm 38,55%; thuế sản phẩm (-) trừ trợ cấp sản phẩm, chiếm 4,21% (cơ cấu tương ứng của năm 2021 là 37,45%; 19,63%; 38,53%; 4,39%).

GRDP bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 59,61 triệu đồng/người (dân số trung bình ước đạt 670.558 người).

Tốc độ tăng trưởng GRDP qua các năm như sau: năm 2018 tăng 6,45%; năm 2019 tăng 6,37%; năm 2020 tăng 4,71%; năm 2021 tăng 8,72%; năm 2022 tăng 7,59%.

Tốc độ tăng trưởng của 5 tỉnh Tây Nguyên: Đắk Nông tăng 7,59%; Đắk Lắk tăng 8,94%; Gia Lai tăng 9,16%; Kon Tum tăng 9,50%; Lâm Đồng tăng 12,09%.

2.  Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Năm 2022 sản xuất nông nghiệp diễn ra trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng; quy mô ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục mở rộng và giữ vai trò trụ cột trong nền kinh tế nội tỉnh; tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu dịch chuyển theo hướng tích cực (giảm về tỷ trọng, tăng về giá trị); sản xuất nông nghiệp đang chuyển theo hướng chất lượng, liên kết gắn với thị trường thông qua việc triển khai thực hiện cơ cấu lại ngành, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, tiêu chuẩn chất lượng trong các khâu sản xuất, thu hoạch và chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng; điều kiện thời tiết thuận lợi, được mùa; giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực tăng;… Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, cũng gặp không ít khó khăn, thách thức như: sản xuất nông nghiệp manh múng, nhỏ lẻ, tự phát; chi phí sản xuất cao, chất lượng thấp, sản phẩm nông sản không đồng đều; biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng, biến đổi khí hậu diễn biến nhanh, khó lường; giá vật tư nông nghiệp tăng; sản phẩm nông sản có sức cạnh tranh thấp,… chưa đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ nên ảnh hưởng đến đầu tư, thu hút và phát triển của ngành; tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thời tiết diễn biến phức tạp,… tác động tiêu cực đến sản xuất, tiêu thụ nông sản và ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống người dân, kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế của ngành. Trước bối cảnh đó, ngành nông nghiệp đã chủ động, kịp thời triển khai nhiều giải pháp ổn định, duy trì sản xuất; hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản;… Qua đó sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định; các chỉ tiêu nhiệm vụ đặt ra cơ bản đều đạt, duy trì được tốc độ tăng trưởng và góp phần nâng cao đời sống nhân dân và diện mạo nông thôn.

2.1. Nông nghiệp

a. Trồng trọt

Cây hàng năm: tính đến ngày 17/12/2022 tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm các loại cả năm 2022 theo báo cáo sơ bộ đạt 84.779 ha, giảm 3,36%, tương ứng giảm 2.948 ha so với năm 2021, trong đó giảm chủ yếu ở diện tích ngô, sắn, đậu tương, lạc và đậu các loại; tăng ở diện tích lúa, khoai lang, mía, rau.

Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2022 ước đạt 344.728 tấn, giảm 1,86% so với năm trước, trong đó sản lượng lúa đạt 81.873 tấn, tăng 0,15%; sản lượng ngô đạt 262.855 tấn, giảm 2,46%. Nguyên nhân sản lượng lương thực giảm so với năm trước là do năm nay diện tích gieo trồng ngô giảm, diện tích trồng lúa chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Một số sản phẩm trồng trọt khác như: khoai lang đạt 97.584 tấn, tăng 1,42%; đậu các loại đạt 7.135 tấn, giảm 14,35%; mủ cao su đạt 33.395 tấn, tăng 1,61%; cà phê nhân đạt 349.264 tấn, tăng 3,95%; tiêu đạt 66.826 tấn, tăng 8,35%; điều đạt 17.558 tấn, giảm 0,03%;…

b. Chăn nuôi

Về đàn lợn: tổng đàn lợn hiện có (không tính lợn sữa) là 185.250 con, giảm 11,07% so với cùng thời điểm năm trước. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng cả năm ước đạt 37.350 tấn, tăng 4,47% (trong đó quý III/2022 giảm 5,14%, quý IV/2022 tăng 2,76%). Nguyên nhân ước tính tổng đàn lợn giảm nhưng sản lượng thịt hơi tăng so với năm 2021 là do năm 2021 giá thịt lợn hơi luôn ở mức cao và ổn định nên người dân tập trung vào tái đàn, mở rộng sản xuất do vậy các tháng đầu năm 2022 sản lượng xuất chuồng tăng mạnh, trong năm 2022 do mất cân bằng cung cầu về thịt lợn nên giá thịtt lợn thấp hơn, người dân chăn nuôi lợn luôn trong tình trạng thua lỗ nên người dân cũng như các doanh nghiệp chăn nuôi lợn chăn nuôi theo kiểu cầm chừng, giảm đàn để duy trì sản xuất, hạn chế thua lỗ.

Về đàn trâu: tổng đàn trâu hiện có 5.050 con, giảm 1,94% so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt hơi xuất chuồng cả năm ước đạt 177 tấn, tăng 8,59% (trong đó quý III/2022 tăng 15,15%, quý IV/2022 tăng 20,0%).

Về đàn bò: tổng đàn bò hiện có là 24.500 con, tăng 1,87% so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt hơi xuất chuồng cả năm ước đạt 2.385 tấn, tăng 7,97% (trong đó quý III/2022 tăng 11,97%, quý IV/2022 tăng 12,09%).

Về đàn gia cầm: tổng đàn gia cầm hiện có 3.070 nghìn con, tăng 5,83% so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt hơi cả năm ước đạt 10.475 tấn, tăng 11,13% (trong đó quý III/2022 tăng 27,07%, quý IV/2022 tăng 3,77%); sản lượng trứng đạt 53.214 nghìn quả, tăng 9,46%.

2.2. Lâm nghiệp

Công tác trồng rừng: diện tích rừng trồng đã thực hiện được 1.012,4 ha/1.000 ha KH, đạt 101,24% KH tỉnh giao, vượt 12,4 ha so với kế hoạch, tăng 10,96% (+100 ha) so với cùng kỳ năm 2021. Số cây trồng phân tán trong năm ước đạt 275,6 nghìn cây, tăng 145,20% (+163,2 nghìn cây) so với cùng kỳ năm trước. Số cây trồng phân tán tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước là do năm nay UBND tỉnh triển khai trồng cây phân tán dọc Quốc lộ 14 và Quốc lộ 28.

Khai thác gỗ, củi: sản lượng gỗ khai thác ước tính quý IV/2022 đạt 6.745 m3, tăng 14,01% so với cùng kỳ năm trước; ước tính cả năm 2022 đạt 15.950 m3, tăng 12,28%. Sản lượng củi khai thác ước tính quý IV/2022 đạt 22.800 ste, tăng 7,61%; ước tính cả năm 2022 đạt 62.850 ste, tăng 4,25%.

Tình hình chặt phá rừng: tổng số vụ phá rừng trái phép được phát hiện tính đến ngày 17/12/2022 là 314 vụ, với diện tích rừng bị phá là 63,73 ha; so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,29% về số vụ và giảm 9,98% về diện tích rừng bị phá.

2.3. Thủy sản

Ước tính cả năm 2022, tổng sản lượng thủy sản đạt 7,31 nghìn tấn, tăng 7,72% so với năm trước. Trong tổng sản lượng thủy sản cả năm, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 6,26 nghìn tấn, tăng 8,83%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 1,05 nghìn tấn, tăng 1,55%.

Về sản xuất cá giống: trong năm 2022, các cơ sở sản xuất cá giống đã xuất bán được 177 triệu con cá giống các loại, tăng 4,12% so với năm trước. Nguyên nhân tăng là do các hộ nuôi trồng thủy sản tăng quy mô nuôi thả so với năm 2021 đã làm số lượng cá giống tăng.

3. Sản xuất công nghiệp

Tính chung cả năm năm 2022, IIP ước tính tăng 7,93% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: ngành khai khoáng giảm 0,77%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,03%, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 15,76%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,71%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu ước tính năm 2022: đá khai thác đạt 851.789 m3, tăng 1,55%; tinh bột sắn đạt 29.870 tấn, tăng 9,51%; bê tông tươi đạt 142.685 tấn, tăng 15,19%; điện sản xuất đạt 2.219 triệu kwh, tăng 16,20%; bàn, ghế, sản phẩm nội thất khác đạt 81.405 chiếc, giảm 4,58%; điện thương phẩm đạt 774,17 triệu kwh, tăng 12,86%; ván ép từ gỗ đạt 37.298 m3, giảm 14,24%; alumin đạt 704.595 tấn, giảm 1,44%;....

Tình hình phát triển doanh nghiệp trong năm 2022

Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh; triển khai các giải pháp hỗ trợ về thị trường, lao động, thuế;… Trong năm 2022, có 771 đơn vị đăng ký thành lập mới, tăng 30,24% so với cùng kỳ năm trước, với tổng số vốn đăng ký là 5.098 tỷ đồng, giảm 5,19% so với cùng kỳ; có 129 doanh nghiệp giải thể, tăng 46,59% so với cùng kỳ; 222 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 39,62% so với cùng kỳ.

4. Vốn đầu tư

Trong năm 2022 nguồn vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu vào mục đích sản xuất, phân phối điện và nông, lâm, nghiệp, thủy sản. Với một số công trình trọng điểm như nhà máy điện gió Đắk ND’rung 1; Đắk ND’rung 2; Đắk ND’rung 3 có tổng công suất 300MW với tổng nguồn vốn lên đến 10.000 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất, chế biến nông sản chất lượng cao có công suất 5.000 tấn nông sản có tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng; 03 trang trại nuôi heo quy mô lớn trãi đều toàn tỉnh với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng; và một số nhà máy thủy điện vừa và nhỏ,…. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2022 ước tính đạt gần 18.473 tỷ đồng, tăng 22,42% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước đạt 4.027,73 tỷ đồng, tăng 25,44%; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân đạt 14.368,35 tỷ đồng, tăng 21,72%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 76,43 tỷ đồng, tăng 4,13%.

5. Tài chính, thu, chi ngân sách Nhà nước

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh ước năm 2022 ước thực hiện 3.475 tỷ đồng, đạt 116% dự toán địa phương. Trong đó: thu nội địa 3.298 tỷ đồng, đạt 136% dự toán Trung ương, đạt 116% dự toán địa phương và tăng 13,98% so với thực hiện năm 2021; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 170 tỷ đồng, đạt 104% dự toán và bằng 27,96% tương ứng giảm 439 tỷ đồng so với thực hiện năm 2021.

Tổng chi ngân sách Nhà nước địa phương ước thực hiện năm 2022 là 8.968 tỷ đồng, đạt 114% dự toán. Trong đó: chi đầu tư phát triển 3.215 tỷ đồng, tăng 45,18%; chi thường xuyên 5.299,6 tỷ đồng, tăng 10,67%.

6. Thương mại, dịch vụ và giá cả

6.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu bán lẻ hàng hoá trên địa bàn tỉnh năm 2022 ước đạt 15.794 tỷ đồng, tăng 10,62% so với cùng kỳ; các nhóm hàng hoá có mức tăng cao như: nhóm gỗ và vật liệu xây dựng (+59,46%), nhóm xăng, dầu các loại (+15,82%), nhóm đã quý, kim loại quý và sản phẩm liên quan (+34,20%), nhóm hàng hoá khác (+28,77%), nhóm sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (+30,97%); các nhóm hàng hoá giảm như: nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình (-0,54%), nhóm vật phẩm văn hoá, giáo dục (-20,85%), nhóm phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) (-22,97%).

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành năm 2022 ước đạt 3.624,39 tỷ đồng, tăng 118,80% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: dịch vụ lưu trú đạt 222,93 tỷ đồng, tăng 135,17%; dịch vụ ăn uống đạt 3.400,31 tỷ đồng, tăng 117,89%; du lịch lữ hành đạt 1.148 triệu đồng, tăng 355,50%.

Doanh thu hoạt động dịch vụ khác (trừ dịch vụ lưu trú - ăn uống - du lịch lữ hành) năm 2022 ước đạt 809,90 tỷ đồng, tăng 59,07% so với cùng kỳ năm trước.

6.2. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), giá vàng và đô la Mỹ tháng 12 năm 2022

a. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2022 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 3,48% so với tháng 12 năm trước và tăng 9,04% so với kỳ gốc 2019. CPI bình quân 12 tháng năm 2022 tăng 2,98% so với bình quân cùng kỳ và tăng ở tất cả các  nhóm hàng hoá và dịch vụ. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,03%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,40%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,50%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 8,39%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,68%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế có CPI không thay đổi; nhóm giao thông tăng 8,98%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,04%; nhóm giáo dục tăng 1,58%; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 3,57%; nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 4,13%.

b. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá vàng tháng 12 năm 2022 giảm 0,30% so với tháng trước, tăng 8,19% so với cùng kỳ năm trước và tăng 68,51% so với kỳ gốc năm 2019. Bình quân năm 2022, chỉ số giá vàng tăng 15,07% so với bình quân cùng kỳ năm 2021.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12 năm 2022 giảm 2,42% so với tháng trước, tăng 4,53% so với tháng 12 năm trước và tăng 2,52% so với kỳ gốc năm 2019. Bình quân năm 2022, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 1,89% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

7. Giao thông vận tải

Vận chuyển hành khách: năm 2022, doanh thu vận chuyển hành khách ước đạt 272.536 triệu đồng, tăng 70,53% so với cùng kỳ; khối lượng vận chuyển và luân chuyển hành khách đạt 3.338 nghìn người và 667,61 triệu lượt người/km, tăng 66,59% về vận chuyển tăng 102,63% về luân chuyển so với cùng kỳ năm trước.

Vận tải hàng hóa: doanh thu vận tải hàng hoá ước tính năm 2022 đạt 515.499 triệu đồng, tăng 35,61% so với cùng kỳ, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 4.505 nghìn tấn và luân chuyển đạt 487,59 triệu tấn/km; so với cùng kỳ năm trước, khối lượng vận chuyển hàng hóa tăng 34,68% và luân chuyển hàng hóa tăng 26,32%.

Dịch vụ hỗ trợ vận tải: doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải năm 2022 ước đạt 291.005 triệu đồng, tăng 19,08% so với cùng kỳ.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Tình hình đời sống nhân dân

Thực trạng tình hình đời sống của cán bộ, công nhân viên chức, công nhân và người hưởng lương: so với cùng kỳ năm trước, nhìn chung đời sống của cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động có hưởng lương vẫn giữ ở mức ổn định nhờ giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng nhẹ nên đời sống của cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động có hưởng lương không gặp nhiều xáo trộn. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song hầu hết các đơn vị không để xảy ra tình trạng nợ lương hay chậm lương làm ảnh hưởng đến đời sống của người lao động. Đối với người làm công ăn lương, lao động làm thuê trong các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất nông, lâm nghiệp do bị ảnh hưởng bởi thời tiết, dịch bệnh, giá các mặt hàng như xăng, dầu, vật liệu xây dựng,… tăng mạnh nên thu nhập và đời sống gặp nhiều khó khăn.

Thực trạng tình hình đời sống dân cư nông thôn: so với cùng kỳ năm trước, đời sống của nông dân trên địa bàn tỉnh khá hơn; bên cạnh đó do bị tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi như: dịch Covid-19, dịch tả lợn Châu Phi, bệnh sốt xuất huyết, giá các mặt hàng liên tục tăng mạnh như phân bón, xăng dầu, trong khi giá bán các loại nông sản giảm, một số mặt hàng có tăng nhưng không đáng kể; thời tiết không thuận lợi đã gây nhiều khó khăn đến đời sống cũng như sản xuất của người lao động.

2. Dân số và lao động

Dân số trung bình năm 2022 trên địa bàn tỉnh ước tính là 670.558 người, tăng 0,92% so với năm 2021, trong đó: nam là 343.067 người, chiếm 51,16% dân số, tăng 0,82%; nữ là 327.491 người, chiếm 48,84% dân số, tăng 1,04%. Trong tổng dân số, dân số thành thị là 112.431 người, chiếm 16,77%, tăng 4,12%; dân số ở khu vực nông thôn là 558.127 người, chiếm 83,23%, tăng 0,30%.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2022 là 397.705 người, chiếm 59,31% dân số tỉnh, tăng 2,22% so với năm 2021, trong đó lực lượng lao động ở khu vực nông thôn chiếm 84,59% (336.419 người) và tăng 2,18%.

3. Hoạt động y tế

a. Tình hình khám chữa bệnh: tổng số bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại tuyến tỉnh, huyện: 614.050 lượt, tăng 13.297 lượt so với cùng kỳ năm 2021 (814.157 lượt), tổng số bệnh nhân đến khám và chữa bệnh tuyến xã: 183.396 lượt; tổng lượt khám BHYT là: 533.993, tăng 77.037 lượt (456.956 lượt); tổng số lượt điều trị nội trú là: 62.294 lượt, tăng 5.802 lượt (56.492 lượt).

b. Tình hình dịch bệnh

Kết quả tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19: tổng số vắc xin thực nhận 1.759.200 liều, đã sử dụng 1.755.190 liều, còn lại 4.010 liều. Tính đến ngày 14/12/2022, đã tiêm vắc xin phòng covid-19 mũi 3 cho đối tượng từ 18 tuổi trở đạt 90,53% (trong đó huyện Đắk Mil và huyện Đắk Glong có tỷ lệ tiêm thấp nhất với tỷ lệ lần lượt là 77% và 86,5%); đã tiêm mũi 4 vắc xin phòng covid-19 cho đối tượng suy giảm miễn dịch thể vừa đến nặng, người từ 18 tuổi trở lên, nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm covid-19 và các nhóm mở rộng đạt 100%; đã tiêm mũi 3 cho đối tượng trẻ em từ 12-17 tuổi đạt 91,9%; cho đối tượng từ 5 đến dưới 12 tuổi, tỷ lệ tiêm toàn tỉnh mũi 1 đạt 98,02%, mũi 2 đạt 82,78%.

4. Hoạt động Giáo dục

Hiện nay, toàn tỉnh có 366 cơ sở giáo dục với tổng số 182.979 học sinh, cụ thể như sau: Giáo dục mầm non: có 126 trường (có 36 trường ngoài công lập), tổng số trẻ là 33.664 trẻ; Giáo dục phổ thông: có 232 trường, với 148.215 học sinh, gồm: 120 trường tiểu học với 76.378 học sinh; 79 trường THCS với 48.132 học sinh; 33 trường THPT với 23.705 học sinh. Giáo dục thường xuyên: có 01 Trung tâm GDTX, Ngoại ngữ, Tin học tỉnh; 07 Trung tâm GDNN-GDTX huyện với 1.100 học sinh.

5. Một số tình hình xã hội năm 2022

Tính đến ngày 30/11/2022, toàn tỉnh có 4.939 trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm. Luỹ kế từ khi phát dịch đến ngày 12/12/2022 toàn tỉnh có 74.484 trường hợp dương tính với SARS-COV-2.

Trong năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 60 vụ tại nạn giao thông (trong đó 32 vụ tai nạn nghiêm trọng và 28 vụ va chạm giao thông), làm chết 30 người, bị thương 40 người (bằng số vụ tai nạn giao thông, giảm 03 người chết và giảm 02 người bị thương so với cùng kỳ năm trước).

Trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 06 vụ cháy nổ, không có thiệt hại về người, ước giá trị thiệt hại do cháy nổ gây ra là 3,35 tỷ đồng.

Một số giải pháp chủ yếu

Đối với ngành Nông nghiệp: tiếp tục tăng cường kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên vật nuôi và cây trồng. Cơ cấu kinh tế tỉnh phát triển chủ yếu dựa trên nền tảng phát triển ngành nông nghiệp. Trong thời gian tới, tỉnh cần ưu tiên chú trọng vào các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng các mô hình liên kết hiệu quả giữa nông dân với doanh nghiệp; các mô hình sản xuất, chế biến sản phẩm chất lượng cao nhằm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp của tỉnh.

Đối với ngành Công nghiệp: huy động vốn trong và ngoài nước, đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường. Tập trung phát triển công nghiệp sản xuất alumin, điện phân nhôm và các sản phẩm từ nhôm để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Khu vực Dịch vụ: triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào ngành du lịch nhằm phát triển tiềm năng về du lịch của tỉnh./.

CỤC THỐNG KÊ TỈNH ĐĂK NÔNG THÔNG CÁO


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 792
Năm 2024 : 11.509
Tổng số : 2.614.897
Liên kết website