A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

THÔNG CÁO BÁO CHÍ: Bộ Thông tin và Truyền thông giao ban quản lý nhà nước Quý I/2022

Sáng ngày 28/3/2022, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì Hội nghị Giao ban Quản lý nhà nước Quý I/2022 theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của các đồng chí Thứ trưởng, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, cùng đại diện lãnh đạo 63 Sở TT&TT và các đơn vị chuyên trách CNTT của các Bộ ngành.

rong Quý I năm 2022, Bộ đã tham mưu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành một số văn bản quan trọng gồm 01 Nghị định, 03 Quyết định và 01 Thông tư. Cụ thể: Nghị định số 14/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản; Quyết định số 37/2021/QĐ-TTg ngày 18/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước; Quyết định số 38/2021/QĐ-TTg ngày 29/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 71/2013/QĐ-TTg ngày 21/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Quyết định số 02/2017/QĐ-TTg ngày 17/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Thông tư số 01/2022/TT-BTTTT ngày 17/02/2022: Sửa đổi 1:2022 QCVN 102:2016/BTTTT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc mã định danh và định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành”. 

Trong lĩnh vực Bưu chínhmặc dù giá nhiên liệu tăng khiến chi phí của các doanh nghiệp tăng từ 10-20%, chi phí cho nhiên liệu tăng 30-40% so với cùng kỳ, các doanh nghiệp chưa tăng giá bán dịch vụ, tuy nhiên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bưu chính (DNBC) cơ bản vẫn ổn định. Tổng doanh thu Quý I/2022 ước đạt 9.900 tỷ, tăng trưởng nhẹ (khoảng 2%) so với cùng kỳ. Sản lượng bưu chính KT1 Quý I/2022 (tính đến 21/3/2022) đạt 253.442 bưu gửi, giảm khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2021.

Liên quan đến các hoạt động hỗ trợ của Bộ TT&TT nhằm đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, tính đến tháng 3/2022, tổng số sản phẩm được đưa lên sàn TMĐT (Voso, Postmart) đạt gần 78,5 nghìn sản phẩm, trong đó miền Bắc chiếm hơn 50% (hơn 46,5 nghìn sản phẩm), tổng số lượng giao dịch trên 2 sàn TMĐT đạt 106,7 nghìn giao dịch; giá trị giao dịch đạt được 21,14 tỷ đồng trong Quý I/2022. Số hộ sản xuất nông nghiệp được tạo tài khoản trên 2 sàn TMĐT là khoảng 5,34 triệu hộ và hơn 5,8 triệu hộ SXNN được đào tạo kỹ năng số.

Trong lĩnh vực viễn thông, tỉ lệ thuê bao băng rộng cố định và băng rộng di động Quý I/2022 đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Số lượng thuê bao di động sử dụng dịch vụ Mobile Money trong Quý I/2022 tăng trưởng nhẹ, tháng sau cao hơn tháng trước. Viettel là doanh nghiệp viễn thông đi đầu trong phát triển thuê bao Mobile Money. Tỷ lệ người sử dụng smartphone trong tổng số người sử dụng di động đạt 88%. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 69,43% vào tháng 3/2022, tăng nhẹ so với tháng 1/2022 (68,31%), tăng khoảng  15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, Bộ đã và đang phối hợp với các doanh nghiệp tăng cường áp dụng các tiêu chí rà soát, xác định các SIM nghi ngờ kích hoạt sẵn, tiến hành rà quét, giám sát định kỳ để có cảnh báo, xử lý các sai phạm.

Đối với lĩnh vực ứng dụng CNTT, trong Quý I/2022, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 với tỷ lệ DVCTT đưa lên mức độ 4 là 97% (tính đến 20/3/2022). Tổng giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) trong Quý I/2022 đạt gần  134,6 triệu (tính đến ngày 23/3/2022), tăng 24 lần so với cùng kỳ năm 2021 (khoảng 5,57 triệu). Chỉ riêng tháng 3/2022 phát sinh gần 48 triệu giao dịch (tính đến ngày 23/3/2022); tức là trung bình hằng ngày có hơn 1,5 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP. Việc tăng trưởng nhanh về lượng giao dịch trên NDXP chủ yếu bắt nguồn từ việc đồng bộ dữ liệu mũi tiêm từ hệ thống tiêm chủng COVID-19 vào CSDLQG về dân cư.

Chuyển đổi số đã thực sự được các Bộ tỉnh triển khai quyết liệt với 48 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, 54/63 tỉnh, thành phố xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT 5 năm giai đoạn 2021-2025; 55/63 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số; 59/63 tỉnh/thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số. 63/63 địa phương hoàn thành kết nối thử nghiệm với CSDLQG về dân cư để khai thác dịch vụ xác thực thông tin công dân.

Trong lĩnh vực An toàn thông tin mạng, Quý I/2022, Cục An toàn Thông tin đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 3.678 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam (576 cuộc Phishing, 375 cuộc Deface, 2.727 cuộc Malware), tăng 2,94% so với tháng Quý IV/2021 (3.573 cuộc). Nguyên nhân gia tăng các cuộc tấn công mạng trong hai tháng đầu năm 2022 là vì đây là giai đoạn cuối năm âm lịch năm 2021, đồng thời là cao điểm của tình hình lây lan dịch trong nước của biến thể COVID-19 Omicron, các đối tượng tấn công mạng đã lợi dụng sự quan tâm của toàn xã hội đối với tình hình dịch bệnh COVID-19, tác dụng tiêm vắc xin liều tăng cường thứ 3, tiếp tục tăng cường tấn công mạng, phát tán, lây nhiễm mã độc, lừa đảo để chiếm đoạt, phá hoại thông tin của người dùng, cũng như của tổ chức.

Đối với lĩnh vực Công nghiệp ICTdoanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này trong tháng 2 và tháng 3 đều tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tỷ lệ doanh thu của doanh nghiệp Việt Nam chiếm 17% trong tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT; Tỷ lệ giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu lĩnh vực Công nghiệp ICT chiếm 27% tính đến tháng 3/2022. 

Bộ TT&TT cũng có những hoạt động cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong nghiên cứu, sản xuất thiết bị 5G; hướng dẫn các tỉnh phát triển khu CNTT tập trung; hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công nghệ số. 

Trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, liên quan đến công tác thông tin, tuyên truyền công tác phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện rà quét thông tin trên báo chí về dịch COVID-19 hàng ngày để phục vụ chỉ đạo, điều tiết tỷ lệ thông tin trên báo chí, trong Quý I/2022, có 322.535 tin bài về COVID-19, chiếm khoảng 31,02% tổng số tin, bài trên báo chí. 

Xây dựng hệ thống giám sát online toàn diện là đổi mới căn bản trong công tác quản lý nhà nước

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, trong Quý I/2022, sự bùng phát của dịch COVID-19 sau khi Việt Nam đã tiến hành tiêm chủng rộng rãi cho toàn dân, có khả năng tạo ra miễn dịch cộng đồng. Đất nước và nền kinh tế sẽ mở cửa trở lại sau đại dịch và ngành TT&TT phải chuẩn bị sẵn sàng cho sự mở cửa này. 

Người đứng đầu ngành TT&TT khẳng định, chuyển đổi số là cuộc cách mạng toàn dân. Chỉ khi toàn dân sử dụng nền tảng số, ứng dụng số vào công việc làm ăn, sinh hoạt hàng ngày, khi ấy chuyển đổi số mới thành công. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã phát triển nhiều nền tảng số, ứng dụng số. Người dân sử dụng những nền tảng, ứng dụng này mới góp phần tạo ra thị trường số, mới tạo ra những nền tảng số, ứng dụng số xuất sắc. 

Giải pháp tốt nhất cho vấn đề này là hình thành các tổ công nghệ cộng đồng đến từng tổ dân phố, từng thôn bản, lấy nòng cốt là thanh niên. Những thanh niên giàu năng lượng, học cái mới nhanh sẽ đến từng hộ gia đình, hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số. Đây cũng chính là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT trong năm 2022: Đưa người dân lên các nền tảng số, tốc độ tăng trưởng ít nhất đạt 50%, phải tạo ra được sự đột phá về kinh tế số. Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chỉ đạo Vụ Quản lý Doanh nghiệp đo lường cụ thể về kinh tế số của các ngành, địa phương và của cả nước theo từng tháng để kịp thời điều chỉnh, bổ sung chính sách cho phù hợp. 

Liên quan đến báo chí, truyền thông, Bộ trưởng nhấn mạnh, thay đổi quan trọng nhất trong năm 2022 là thay đổi nhận thức của chính quyền các cấp về công tác truyền thông. Truyền thông là 1 nhiệm vụ của chính quyền các cấp, giống như giáo dục, y tế. Các Bộ, ngành, địa phương phải có bộ phận chuyên trách truyền thông và phải chi ngân sách thường xuyên cho công tác truyền thông. Cục Báo chí cần sớm báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị về công tác truyền thông. 

Về quản lý báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo, các báo, tạp chí, trang tin phải hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, đúng quy định pháp luật. Báo chí cách mạng thì không được tư nhân hóa. Muốn quản lý được, phải giám sát được và phải giám sát online, giám sát toàn diện (100%). Xây dựng hệ thống giám sát online báo chí sẽ là trọng tâm năm 2022 của quản lý Nhà nước về báo chí. Bộ trưởng giao Cục Báo chí xây dựng hệ thống giám sát này và khi hoàn thành chia sẻ cho các Sở dùng chung.

Bộ trưởng Bộ TT&TT khẳng định: Muốn chuyển đổi số thành công, hạ tầng số phải đi trước một bước. Với tinh thần ấy, Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho các Sở TT&TT: Xóa vùng lõm sóng 3G, 4G; 100% hộ gia đình có máy tính bảng, điện thoại thông minh; 80% hộ gia đình có Internet cáp quang; Giảm số lượng điện thoại 2G xuống dưới 5%, từ đó tiến tới tắt sóng 2G; Tăng tốc độ Internet cố định, Internet di động lên ít nhất 30%. Các Sở TT&TT phải bàn với Cục Viễn thông, Quỹ Dịch vụ Viễn thông Công ích và các nhà mạng để lập kế hoạch chi tiết cho việc này. Bộ sẽ có đánh giá về phát triển hạ tầng số của từng tỉnh, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Hiện nay, đầu tư cho chuyển đổi số của các bộ ngành đang bắt đầu tăng. Đảm bảo đầu tư hiệu quả, đúng pháp luật, không tham nhũng, lãng phí là trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách CNTT và các Sở TT&TT. Bộ trưởng giao Cục Tin học hóa xây dựng hệ thống công nghệ số, kết nối online với tất cả các Bộ, ngành, địa phương để giám sát đầu tư các dự án chuyển đổi số. 

Mỗi đơn vị chuyên trách CNTT, mỗi Sở hàng năm đều phải thực hiện kế hoạch năm do lãnh đạo Bộ, địa phương giao. Văn phòng Bộ TT&TT có nhiệm vụ xây dựng hệ thống kế nối online với tất cả các đơn vị chuyên trách CNTT, các Sở TT&TT để giám sát việc thực hiện kế hoạch này. Đây sẽ là một đổi mới rất quan trọng về quản lý nhà nước của Bộ, Bộ trưởng khẳng định.

Xây dựng hệ thống giám sát online toàn diện là đổi mới căn bản trong công tác quản lý nhà nước. Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chỉ đạo xây dựng hệ thống này. Tháng 6/2022 là thời hạn vận hành toàn bộ hệ thống giám sát online của ngành TT&TT. Bộ TT&TT phải đi đầu trong việc này, từ đó triển khai rộng cho các Bộ ngành khác, Bộ trưởng chỉ đạo.

Theo mic.gov.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 740
Năm 2024 : 10.711
Tổng số : 2.614.099
Liên kết website