A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các cơ quan báo chí tỉnh Đắk Nông với mục tiêu "Chuyển đổi số báo chí"

Thời gian qua, báo chí tỉnh Đắk Nông đã thích ứng linh hoạt trước xu thế ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành tác nghiệp thông qua ứng dụng nền tảng quản lý tòa soạn điện tử. Nhiều cơ quan đã vận dụng mô hình mới, sáng tạo để cải thiện quá trình sản xuất tin, bài, bước đầu đưa các sản phẩm báo chí lên các nền tảng số.

Báo chí Đắk Nông “chuyển mình” trong xu thế chuyển đổi số báo chí

Các cơ quan báo chí địa phương của tỉnh Đắk Nông hiện nay duy trì cơ cấu đảm bảo theo Quy hoạch mạng lưới báo chí do Trung ương phê duyệt, Đắk Nông hiện có 03 cơ quan báo chí không thuộc đối tượng phải thực hiện sắp xếp, sáp nhập, giải thể các cơ quan báo chí theo quy hoạch gồm: Báo Đắk Nông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và Tạp chí Nâm Nung (thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh), với 3 CQBC, khoảng 136 công chức, viên chức, người lao động; có 75 người đã được cấp Thẻ Nhà báo.

Thời gian qua, báo chí tỉnh Đắk Nông đã thích ứng linh hoạt trước xu thế ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành tác nghiệp thông qua ứng dụng nền tảng quản lý tòa soạn điện tử. Nhiều cơ quan đã vận dụng mô hình mới, sáng tạo để cải thiện quá trình sản xuất tin, bài, bước đầu đưa các sản phẩm báo chí lên các nền tảng số.

Điển hình như Báo Đắk Nông đã xây dựng, đưa vào vận hành tòa soạn hội tụ để tích hợp các loại hình báo chí khác nhau quản lý trên một phần mềm duy nhất, bảo đảm khả năng liên thông chặt chẽ giữa các loại hình báo chí. Hệ thống tự động theo dõi, giám sát thông tin về Đắk Nông, thông tin về các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các cấp của tỉnh trên toàn bộ hệ thống báo chí trên toàn quốc, cảnh báo các thông tin xấu độc theo thời gian thực giúp ban biên tập dễ dàng nắm bắt thông tin và đưa ra các kế hoạch sản xuất tin bài phù hợp. Đặc biệt, ngày 23/3/2023, Báo Đắk Nông chính thức ra mắt giao diện mới với nội dung, hình thức hiện đại, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số hiện nay; nâng cao hiệu quả tuyên truyền trên báo. Lượng độc giải truy cập vào Báo Đắk Nông luôn thuộc tốp đầu trong hệ thống các cơ quan báo Đảng khu vực Tây Nguyên.

Đài Phát thanh – Truyền hình Đắk Nông đã khai thác khá hiệu quả Internet và mạng xã hội để nối dài cánh sóng, chuyển tải thông tin nhanh nhất đến khán, thính giả, độc giả. Đài đã nỗ lực xây dựng, quản lý và cập nhật kho nội dung các chương trình của Đài trên nền tảng Internet. Đưa nội dung kênh truyền hình lên các nền tảng: kỹ thuật số DVB-T2, truyền hình số mặt đất chuẩn HD; vệ tinh Vinasat -2), đảm bảo việc theo dõi kênh PTD trên mọi kênh truyền dẫn. Đặc biệt, đã chính thức vận hành hệ thống thiết bị, phần mềm truyền thông hội tụ; xây dựng ứng dụng truyền hình cho thiết bị di động - PTD Go; duy trì các trang fanpage, kênh Youtube, Zalo OA; thực hiện livestreams trực tiếp 100% bản tin Thời sự 19h45’ trên fanpage, chương trình “Đắk Nông Ngày mới”…

Tạp chí Nâm Nung cũng thực hiện nhiều chuyên đề bám sát với nhiệm vụ chính trị của địa phương; bên cạnh phát hành bản in định kỳ; Tạp chí tiếp tục tăng cường thông tin để lan tỏa đến mọi độc giả thông qua trang thông tin điện tử, fanpage Hội VHNT và các chi hội trực thuộc.

Nhiều mục tiêu Chuyển đổi số để tối ưu hóa hoạt động báo chí địa phương

Triển khai chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 06/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 01/11/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông vừa ban hành Kế hoạch số 450/KH-UBND ngày 13/7/2023 về Triển khai thực hiện Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Các nhiệm vụ đặt ra nhằm hướng tới xây dựng các cơ quan báo chí trong tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Nông có ít nhất 50% nội dung, Báo Đắk Nông có 95% nội dung được đưa lên các nền tảng số; Tạp chí Nâm Nung xây dựng Đề án hoạt động Tạp chí Nâm Nung điện tử. Các cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phát triển cơ quan truyền thông đa phương tiện. Khuyến khích các cơ quan báo chí trong tỉnh tăng nguồn thu trên cơ sở điều kiện và nguồn lực hiện có với mục tiêu phấn đấu tối thiểu 10% nguồn thu. 100% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí.

Đến năm 2030, tỉnh Đắk Nông đề ra mục tiêu 100% cơ quan báo chí trong tỉnh đưa nội dung lên các nền tảng số; sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; vận hành mô hình tòa soạn hội tụ. Các cơ quan báo chí trong tỉnh tăng doanh thu tối thiểu 15%. Triển khai thí điểm mô hình thu phí nội dung đối với Báo Đắk Nông điện tử và các chương trình trên hạ tầng số của Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Nông.

Để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, tỉnh Đắk Nông đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ, phát huy không những vai trò của cơ quan báo chí mà còn trách nhiệm của các cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị khác có liên quan. Trong đó, lưu ý đến các nhóm nhiệm vụ nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý thông tin, truyền thông; cơ quan chủ quản; lãnh đạo cơ quan báo chí; đội ngũ những người làm báo về vai trò quan trọng và sự cấp thiết phải đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số báo chí đồng bộ với chương trình chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông. Đồng thời, biểu dương, tôn vinh những tổ chức, cá nhân có thành tích, sáng kiến trong quá trình chuyển đổi số báo chí để chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa, nhân rộng.

UBND tỉnh cũng giao Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, góp ý, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về báo chí và lĩnh vực có liên quan nhằm thúc đẩy, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Các cơ quan báo chí trong tỉnh có trách nhiệm phát triển các sản phẩm báo chí số chất lượng cao thông qua thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác, phân phối thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu độc giả. Xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đặc biệt, nghiên cứu áp dụng các nền tảng số cho báo chí để phục vụ cho các chức năng phân phối nội dung báo chí, chia sẻ dữ liệu báo chí, thu thập, xử lý dữ liệu, đánh giá, dự báo, theo dõi, giám sát chất lượng báo chí, quản lý, điều hành tác nghiệp thông qua nền tảng quản lý tòa soạn điện tử. Đồng thời, tổ chức bồi dưỡng, đào tạo kiến thức, kỹ năng về CNTT, an toàn, an ninh mạng, thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu phóng viên, biên tập viên, đội ngũ kỹ thuật cơ quan báo chí.

Ngọc Anh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 722
Năm 2024 : 25.490
Tổng số : 2.628.878
Liên kết website