A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực trạng và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật báo chí góp phần tăng cường công tác quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú

Thông tin là nguyên liệu cơ bản để tạo ra sản phẩm báo chí. Để có được nguồn thông tin đa dạng, nhanh, độc quyền, cơ quan báo chí cần có một mạng lưới thu thập thông tin rộng khắp. Cụ thể đó là mạng lưới Văn phòng đại diện và phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí.

 Xác định rõ vai trò đó, Luật Báo chí 2016 đã đơn giản hóa các thủ tục đặt văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú tại địa phương. Theo quy định hiện hành, để đặt văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú các cơ quan báo chí chỉ cần gửi thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Với sự thông thoáng của Luật báo chí hiện hành, nên phần lớn các cơ quan báo chí Trung ương đều đặt văn phòng đại diện tại các địa phương.

Qua hơn 6 năm thực thi Luật Báo chí 2016, mặt tích cực có thể thấy rõ trong vấn đề hoạt động của  văn phòng đại diện, phóng viên thường trú là: (1) Nguồn thông tin về các hoạt động ở các địa phương trên báo chí đa dạng hơn, tạo nên bức tranh tổng thể, toàn cảnh về đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước; (2) thông tin chính xác, tin cậy với những góc nhìn sâu hơn và thấu đáo hơn về các vấn đề địa phương; phản ánh sinh động; (3) xây dựng cầu nối với sự tương tác cao giữa báo chí và cộng đồng địa phương, giúp công chúng hiểu rõ hơn nhu cầu và quan điểm của chính quyền, người dân địa phương; (4) hỗ trợ cho chính quyền địa phương trong việc truyền thông chính sách, quảng bá hình ảnh, truyền tải hoạt động của địa phương đến với công chúng trong và ngoài nước, góp phần quan trọng trong việc thu hút nguồn lực phát triển kinh tế, văn hóa, thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Song cũng nảy sinh không ít tồn tại, bất cập. Trong phạm vi tham luận này, xin đề cập đến một số vấn đề từ thực tế quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

1. Đến hết tháng 9/2023, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 03 cơ quan báo chí đăng ký đặt văn phòng đại diện; 42 cơ quan báo chí cử phóng viên thường trú hoặc đăng ký tác nghiệp thường xuyên. Con số này so với các tỉnh, thành có thể không nhiều, nhưng vấn đề đối với công tác quản lý vướng mắc ở các điểm sau:

-  Mô hình văn phòng đại diện không thống nhất, có nơi đại diện tại một địa phương, có nơi đại diện khu vực gồm nhiều tỉnh thành. Phổ biến là việc thiết lập Văn phòng đại điện khu vực Tây Nguyên, hoặc Miền Trung – Tây Nguyên.

- Nhiều văn phòng đại diện, cơ quan thường trú chỉ có Trưởng văn phòng có thẻ nhà báo, còn lại phóng viên thuộc văn phòng là nhân viên quảng cáo hoặc cơ quan báo chí ký với các cá nhân không có chuyên môn, nghiệp vụ về báo chí làm cộng tác viên, không đáp ứng được yêu cầu về năng lực và trình độ của người làm báo. Cá biệt, có cơ quan báo chí lựa chọn và cử Trưởng văn phòng đại diện đủ điều kiện, nhưng chỉ ngồi ở tòa soạn, rất ít khi có mặt tại văn phòng, không quán xuyến hoạt động văn phòng đại diện.

- Một số cơ quan báo chí là tạp chí nhưng số lượng nhân sự đăng ký hoạt động khá cao, từ 3-5 nhân sự/địa bàn.

- Trong mối quan hệ với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, gần như các cơ quan báo chí (cụ thể là văn phòng đại diện, phóng viên thường trú) luôn yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương thực thi đúng Luật báo chí (trong việc cung cấp thông tin, phản hồi thông tin, v.v...) nhưng bản thân lại chấp hành chưa nghiêm túc, thậm chí không chấp hành các quy định của pháp luật. Tình trạng khá phổ biến là: tham gia không thường xuyên, thậm chí không tham gia các Hội nghị giao ban báo chí, cung cấp thông tin do địa phương tổ chức; Tòa soạn gửi thông tin đăng ký phóng viên không đủ điều kiện thường trú, chưa phối hợp cung cấp đầy đủ hồ sơ theo quy định, không kịp thời báo cáo khi có thay đổi về nhân sự.

2. Về hoạt động chuyên môn. Tình trạng nhân sự của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú hoạt động nghiệp vụ thiếu chuyên môn, thậm chí lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi chưa có dấu hiệu dừng lại. Một số dấu hiệu có thể kể đến là:

- Tiếp cận nguồn tin gián tiếp (qua đồng nghiệp, không trực tiếp thực hiện, xác minh hoặc chỉ từ một phía,  v.v...) dẫn đến hậu quả nội dung thông tin, vấn đề phản ánh không toàn diện, thiếu công tâm, thiếu cơ sở khoa học, đánh giá một chiều; thông tin sai lệch; cá biệt có bài viết thể hiện rõ việc định hướng dư luận theo quan điểm chủ quan của cá nhân, hoặc một nhóm cá nhân. Hậu quả tạo nên mâu thuẫn giữa người dân với cơ quan công quyền.

- Tác nghiệp không đúng quy định, như: (i) sử dụng giấy giới thiệu không ghi cụ thể nơi đến làm việc; (ii) yêu cầu cung cấp thông tin ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; thậm chí có trường hợp yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu như cơ quan thanh tra, điều tra; (iii) gây sức ép bằng cách liên tục điện thoại, nhắn tin gây phiền hà; (iv) giấy giới thiệu không ghi rõ nơi đến công tác, thời hạn dài ngày. Đáng lưu ý, có tình trạng phóng viên của các cơ quan thường trú có Thẻ Nhà báo đăng ký làm việc với danh nghĩa của của 01 cơ quan báo chí nhưng khi đến làm việc đưa theo nhóm phóng viên thuộc nhiều cơ quan báo chí (chưa được cấp Thẻ Nhà báo; không có Giấy giới thiệu hoặc Giấy giới thiệu không đúng quy định).

- Nhân sự đăng ký là cộng tác viên, nhân viên của văn phòng đại diện, cơ quan thường trú nhưng có hoạt động nghiệp vụ như phóng viên.

- Cá biệt có tình trạng lợi dụng danh nghĩa cơ quan báo chí để trục lợi cá nhân, thực hiện các hành vi trái pháp luật. Mới đây, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đã ban hành quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với nhân sự của một cơ quan báo chí Trung ương, có đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh Đắk Nông về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

3. Những sai phạm nêu trên, tuy cá biệt, nhưng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của đội ngũ làm báo chân chính; ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, hình ảnh của các cơ quan báo chí cách mạng. Nguyên nhân đã được đề cập đến ở nhiều khía cạnh, nhiều diễn đàn. Bên cạnh nguyên nhân chủ quan từ việc cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí buông lỏng công tác quản lý; tạo sức ép về làm kinh tế, thậm chí là giao, khoán chỉ tiêu doanh thu, quảng cáo cho văn phòng đại diện, nhà báo, phóng viên, cộng tác viên, v.v... cần phải thừa nhận có nguyên nhân từ những khoảng trống trong Luật báo chí và các văn bản dưới Luật cần được sửa đổi, bổ sung. Xin nêu mấy vấn đề lớn cần được sửa đổi, bổ sung như sau:

- Một là, cần quy định cụ thể, thống nhất về mô hình văn phòng đại diện, phóng viên thường trú.

Nên chăng sửa đổi, bổ sung Điều 22 Luật Báo chí theo hướng quy định rõ một số mô hình chung của văn phòng đại diện phù hợp với cơ cấu, tổ chức và quy mô cơ quan báo chí; quy định số lượng văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tương ứng với quy mô của cơ quan báo chí; bổ sung điều kiện, cơ cấu, quyền hạn và nhiệm vụ, quyền hạn của văn phòng đại diện, trưởng văn phòng đại diện.

Cần quy định loại hình tạp chí không được phép mở văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú.

- Yêu cầu phóng viên thuộc văn phòng đại diện, phóng viên thường trú phải có hợp đồng chính thức với cơ quan báo chí; quy định cụ thể số lượng phóng viên thường trú độc lập tại mỗi địa phương là 01 người…

- Hai là,  bổ sung trong Luật Báo chí quy định về quyền, nghĩa vụ và yêu cầu, tiêu chuẩn phóng viên. Điều kiện hoạt động tác nghiệp của phóng viên khi chưa được cấp thẻ nhà báo là phải có giấy giới thiệu do cơ quan báo chí cấp; ban hành mẫu, yêu cầu đối với giấy giới thiệu để thống nhất áp dụng thực hiện. Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phối hợp, làm việc, cung cấp thông tin cho phóng viên.

- Ba là, làm rõ nội hàm về khái niệm, tính chất thông tin, thời gian định kỳ xuất bản của tạp chí, tạp chí điện tử. Quy định cụ thể tạp chí, tạp chí điện tử không được phép thông tin dưới dạng phản ánh sự kiện, vụ việc sự vụ; điều tra theo đơn thư bạn đọc. v.v...

- Bốn là, Quy định rõ hơn nội hàm về khái niệm, mức độ “tôn chỉ, mục đích”; quy định tỷ lệ tin, bài về các vấn đề chính trị, thiết yếu (chủ trương, chính sách, sự kiện, hoạt động đối ngoại lớn của Đảng và Nhà nước; bảo vệ chủ quyền quốc gia; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, phản bác các quan điểm sai trái) hoặc thực hiện theo yêu cầu, chỉ đạo tuyên truyền ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích cơ quan báo chí được phép đăng tải. Cần thiết đưa việc “thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích” vào các hành vi bị nghiêm cấm và làm rõ các dấu hiệu nhận diện, chế tài xử lý.

- Năm là, luật hóa cụ thể mối quan hệ giữa cơ quan báo chí và cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan quản lý báo chí ở địa phương.

Báo chí là một hoạt động đặc biệt mang tính chính trị - xã hội, đi đầu trên mặt trận tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Với mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, củng cố sự thống nhất ý chí trong Đảng, báo chí là diễn đàn dân chủ của nhân dân, có trách nhiệm nâng cao nhận thức, định hướng tư tưởng, tăng cường sự đồng thuận của xã hội. Vì vậy, việc nhận thức và xử lý hài hòa các vấn đề đang đặt ra với báo chí trong bối cảnh hiện nay sẽ góp phần giúp báo chí hoàn thành trách nhiệm, sứ mệnh đối với đất nước, nhân dân.

Hoàng Mạnh Thắng - PGĐ Sở


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 727
Năm 2024 : 25.495
Tổng số : 2.628.883
Liên kết website